Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ireland và Estonia ký thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Thứ Sáu, 08/10/2021 17:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 7/10, Chính phủ Estonia và Chính phủ Ireland đã đồng ý ký thỏa thuận mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% áp dụng với các công ty đa quốc gia. Như vậy, Hungary là nước duy nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chưa ký thỏa thuận này.

Thỏa thuận trên sẽ giúp chấm dứt cuộc chạy đua xuống đáy trong việc đánh thuế doanh nghiệp đang diễn ra tại các nước muốn bảo vệ đầu tư của tập đoàn bất chấp các ưu tiên như bảo vệ người lao động hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Tài chính Ireland, ông Paschal Donohue bày tỏ hài lòng về quyết định trên của Chính phủ nước này, khẳng định rằng sự đồng thuận của các nước sẽ củng cố lợi ích chung. Tiến trình cải cách thuế này sẽ có hiệu lực tại Ireland trong năm 2023.

Trước đó, Ireland chỉ áp mức thuế doanh nghiệp 12,5%, theo đó thu hút các hãng khổng lồ công nghệ như Apple và Google. Tiến trình cải cách thuế này sẽ ảnh hưởng đến 56 doanh nghiệp đa quốc gia của Ireland với khoảng 100.000 nhân công, và 1.500 doanh nghiệp đa quốc gia nước ngoài có trụ sở tại Ireland với 400.000 nhân công.

Chính phủ Estonia và Ireland đã đồng ý ký thỏa thuận mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, hiện chỉ còn Hungary là nước duy nhất trong OECD chưa ký thỏa thuận này. (Ảnh:Getty Images)

)Tuy nhiên, mức thuế mới sẽ chỉ áp dụng với các công ty có thu nhập hơn 750 triệu euro/năm (870 triệu USD). Các doanh nghiệp nhỏ vẫn được áp dụng mức thuế 12,5%.

Thủ tướng Estonia, ông Kaja Kallas nhận định việc tham gia cải cách thuế sẽ "đảm bảo chất lượng môi trường doanh nghiệp và chính sách thuế của Estonia, đồng thời phục vụ lợi ích chung toàn cầu trong tương lai".

Theo ông Kallas, cải cách này sẽ không tạo ra quá nhiều thay đổi với đa số các doanh nghiệp Estonia, mà chỉ tác động tới các công ty con của các tập đoàn đa quốc gia lớn. Estonia từng quan ngại rằng việc tham gia tiến trình cải cách sẽ đe dọa thị trường khởi nghiệp công nghệ đang diễn ra sôi động tại nước này.

Tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng đã đã thông qua đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden về áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% với mục đích giải quyết tình trạng trốn thuế và tạo bình đẳng về thuế giữa các nước.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị, G7 cho biết: "Với thỏa thuận này, chúng tôi đã có một bước đi quan trọng hướng tới một hệ thống thuế công bằng hơn, phù hợp với thế kỷ XXI, chấm dứt cuộc chạy đua đánh thuế rất thấp kéo dài suốt 40 năm qua".

Tuyên bố nhấn mạnh sự hợp tác này sẽ "tạo ra một sân chơi vững chắc hơn", giúp tăng thu thuế để hỗ trợ đầu tư và chấm dứt tình trạng trốn thuế, nhất là của các công ty đa quốc gia có doanh thu cao như các "đại gia" công nghệ.

Bên cạnh đó, Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thông qua thỏa thuận này vào tháng 7. Như vậy, đến nay, hơn 130 quốc gia đã ký thỏa thuận này, ngoại trừ Hungary. Khẳng định áp thuế là một vấn đề mang tính chủ quyền, Thủ tướng Hungary Viktor Orban mô tả đề xuất áp thuế toàn cầu tối thiểu là "vô lý". Mức thuế doanh nghiệp thấp 9% đã giúp Hungary thu hút các nhà sản xuất lớn của châu Âu.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, nước này có thể tham gia với điều kiện cải cách không gây thiệt hại đối với nền kinh tế hay ảnh hưởng đến thị trường việc làm của Hungary.

Ngày 1/7 vừa qua, 130 quốc gia thành viên của OECD đã nhất trí về quy định áp mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu với mục đích giải quyết tình trạng trốn thuế và tạo bình đẳng về thuế giữa các nước.

“Thỏa thuận của 130 quốc gia trên thế giới đại diện cho một khu vực chiếm hơn 90% GDP toàn cầu là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc đua thuế xuống đáy sắp đến hồi kết thúc”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói.

Theo OECD, việc điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu sẽ giúp các chính phủ trên toàn cầu tăng thu ngân sách thêm tới 150 tỷ USD mỗi năm./.

H.Hà (Theo Reuters, Bloomberg)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN