Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Iran tuyên bố 5 ngày quốc tang sau vụ máy bay của Tổng thống gặp nạn

Thứ Hai, 20/05/2024 20:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Tội phạm sử dụng súng tự chế, dao gây án đang diễn biến rất phức tạp; Phạt tù 21 bị cáo trong đường dây lừa đảo, rửa tiền xuyên quốc gia; Iran tuyên bố 5 ngày quốc tang sau vụ máy bay của Tổng thống gặp nạn…là những thông tin đáng chú ý trong ngày 20/5.

Tội phạm sử dụng súng tự chế, dao gây án đang diễn biến rất phức tạp

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 20/5, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân và công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc. Về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã bộc lộ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí,
vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN) 

Thực tế trong 5 năm, toàn quốc đã phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án, trong đó: Tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao làm công cụ, phương tiện gây án chiếm tỷ lệ rất cao, phát hiện 27.161 vụ, bắt giữ 46.693 đối tượng (chiếm 94,5% tổng số vụ, 92,8% tổng số đối tượng).

Bộ trưởng nhấn mạnh, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. Riêng đối tượng sử dụng dao và phương tiện tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ cao, phát hiện 16.841 vụ, bắt giữ 26.472 đối tượng (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn có tính sát thương rất cao, gây án với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang có 30 điều quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó, yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép kèm theo rất nhiều các loại giấy tờ. Do đó, để thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì cần thiết phải cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành.

Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân của các nước cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức trong nước để nghiên cứu, sản xuất hoặc trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, cần thiết phải bổ sung quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng; nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 chưa phù hợp với thực tiễn.

Phạt tù 21 bị cáo trong đường dây lừa đảo, rửa tiền xuyên quốc gia

Sau 5 ngày xét xử và nghị án, chiều 20/5, Tòa án Nhân dân Hà Nội ra phán quyết với 21 người trong đường dây lừa đảo và rửa tiền xuyên quốc gia.

Trong các ngày từ 15-20/5, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử và tuyên án 21 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Rửa tiền,” liên quan tới đường dây rửa tiền xuyên quốc gia do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu. Trong số 21 bị cáo có 14 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” 7 bị cáo bị truy tố về tội “Rửa tiền.”

Các bị cáo tại phiên tòa. (Nguồn: Báo Công an Nhân dân) 

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: Mặc Bình Hưng (Tổ trưởng Tổ Tài vụ của Bộ phận 777pay) mức án 18 năm tù; Nguyễn Văn Bằng (Tổ phó), Vũ Xuân Huy, Chắng Hẻn Phấn cùng mức án 16 năm tù. 10 bị cáo còn lại trong nhóm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị tuyên phạt từ 12-15 năm tù. Đối với nhóm phạm tội “Rửa tiền,” Đinh Văn Hùng bị tuyên phạt 11 năm tù, phạt bổ sung 50 triệu đồng; Lê Trần Việt Anh 10 năm tù.

Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 6-9 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, Tòa ghi nhận các bị cáo đã nộp hơn 8,3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Còn lại hơn 11,5 tỷ đồng, các bị cáo trong nhóm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phải liên đới bồi thường cho bị hại.

Hội đồng xét xử nhận định, tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi, khai không biết công ty chủ quản (Jinbian) là tổ chức tội phạm; được trả lương cao, nếu không hoàn thành sẽ bị cưỡng bức, đe dọa... Song, Hội đồng xét xử xác định các bị cáo có vai trò đồng phạm trong vụ án vì đã tham gia vào một trong những khâu của hoạt động lừa đảo do các đối tượng cầm đầu tổ chức. Mặc dù các bị cáo đã thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả nhưng hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền là rất nguy hiểm, vi phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, gây thiệt hại với số tiền lớn… do đó cần phải tuyên phạt các mức án nghiêm khắc theo vai trò phạm tội.

Đối với hành vi rửa tiền, 7 bị cáo trong vụ án bị Hội đồng xét xử đánh giá là biết rõ nguồn gốc tiền là bất hợp pháp nhưng vẫn thực hiện hành vi rửa tiền. Hành vi này đã giúp sức cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, biến tiền “bẩn” thành tiền “sạch” với các hình thức hết sức tinh vi.

Các bị cáo thuộc nhóm tội danh lừa đảo làm việc theo chỉ đạo, chia theo từng bộ phận; trong đó, bị cáo Mặc Bình Hưng giữ vai trò cao nhất, đứng thứ hai là bị cáo Nguyễn Văn Bằng. Các bị cáo này làm việc theo hợp đồng lao động, được chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội; tuy nhiên, quá trình điều tra không xác định các bị cáo này làm việc trong môi trường bị cưỡng ép lao động. Do đó, Hội đồng xét xử khẳng định, các bị cáo có vai trò đồng phạm trong đường dây lừa đảo, rửa tiền.

Iran tuyên bố 5 ngày quốc tang sau vụ máy bay của Tổng thống gặp nạn

Ngày 20/5, đại diện Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ của Iran (IRCS) cho biết đã tìm thấy thi thể của Tổng thống nước này Ebrahim Raisi và những quan chức tháp tùng trong vụ rơi máy bay một ngày trước đó, đồng thời tuyên bố công tác tìm kiếm đã kết thúc.

Hiện trường vụ tai nạn rơi máy bay (Nguồn: vietnamplus.vn) 

Cùng ngày, Nội các Iran tuyên bố Chính phủ nước này sẽ tiếp tục hoạt động mà "không có sự gián đoạn dù là nhỏ nhất" sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi tử nạn trong vụ rơi máy bay trực thăng. Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố 5 ngày quốc tang Tổng thống nước này Ebrahim Raisi, sau khi ông Raisi và một số quan chức khác tử nạn trong vụ rơi trực thăng tại tỉnh Đông Azerbaijan.

Nhà lãnh đạo tối cao này cũng thông qua việc chỉ định Phó Tổng thống Mohammad Mokhber tạm thời tiếp quản vị trí của ông Raisi. Theo Điều 131 của Hiến pháp, ông Mokhber sẽ chịu trách nhiệm lãnh đạo cơ quan hành pháp. Ông Mokhber sẽ cần phối hợp với những người đứng đầu cơ quan lập pháp và tư pháp để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống tối đa trong 50 ngày. Nội các Iran cũng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ali Bagheri Kani làm quyền Bộ trưởng sau khi Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian tử nạn trong vụ rơi trực thăng.

Sau khi Iran xác nhận Tổng thống Raisi cùng một số quan chức nước này đã thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng, nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng chia buồn về vụ việc và bày tỏ tinh thần đoàn kết với Iran./.

PV (Tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN