Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

IOM tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai Thoả thuận GCM

Thứ Hai, 11/11/2024 19:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chúc mừng bà Kendra Rinas được bổ nhiệm làm Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tin tưởng, với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực di cư, bà sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và IOM trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp bà Kendra Rinas, Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam 

Chiều ngày 11/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã tiếp bà Kendra Rinas, Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam đến chào nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác.

Chúc mừng bà Kendra Rinas được bổ nhiệm làm Trưởng Phái đoàn đại diện IOM tại Việt Nam, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tin tưởng, với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực di cư, bà sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và IOM trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy di cư hợp pháp, phòng, chống di cư qua các kênh không chính thức, phòng, chống mua bán người, Thứ trưởng cảm ơn IOM đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều hoạt động nâng cao năng lực quản lý di cư quốc tế, triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thoả thuận GCM) và mới đây đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị IOM tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Việt Nam, nhất là trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về di cư, truyền thông về di cư hợp pháp, an toàn và mở rộng các kênh di cư hợp pháp.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cùng Trưởng Phái đoàn đại diện IOM Kendra Rinas và các đại biểu

Về phần mình, bà Kendra Rinas cảm ơn Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã dành thời gian tiếp, bày tỏ vui mừng trước quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa IOM và Việt Nam cũng như sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng Việt Nam dành cho IOM. Chúc mừng Việt Nam đã công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 tại hai hội thảo hết sức thành công ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, bà Kendra Rinas đánh giá Việt Nam là quốc gia đi đầu trong triển khai Thoả thuận GCM và đã thể hiện vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực này.

Trưởng Phái đoàn IOM khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai Thoả thuận GCM và trong các vấn đề Việt Nam ưu tiên, quan tâm, bao gồm việc mở rộng các kênh di cư hợp pháp đi kèm với bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư, để di cư đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1987. IOM cung cấp những biện pháp ứng phó toàn diện cho các nhu cầu nhân đạo của người di cư, người lánh nạn trong nước, người di cư hồi hương và cộng đồng chủ nhà thông qua hỗ trợ nhân đạo trực tiếp, các hoạt động cộng đồng và những nỗ lực đa dạng khác.

Với 175 nước thành viên, 8 nước quan sát viên, và văn phòng đặt tại hơn 100 quốc gia, IOM nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn, nhân đạo và có trật tự vì lợi ích của tất cả mọi người, thông qua việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn cho các chính phủ và người di cư.

IOM hỗ trợ quản lý di cư an toàn và có trật tự nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, tìm kiếm các giải pháp thiết thực cho các vấn đề di cư và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người di cư, bao gồm người tị nạn và người lánh nạn trong nước.

Hiến chương IOM thừa nhận mối liên hệ giữa di cư và sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá, cũng như quyền tự do đi lại.

IOM hoạt động trong 4 lĩnh vực chính về quản lý di cư: Di cư và phát triển; Tạo điều kiện cho di cư; Quy định về di cư; Giải quyết vấn đề di cư cưỡng bức

Các hoạt động của IOM xuyên suốt các lĩnh vực này bao gồm việc thúc đẩy luật di cư quốc tế, tranh biện và hướng dẫn chính sách, bảo vệ quyền của người di cư, sức khoẻ di cư, và khía cạnh giới trong di cư.

 

Mạnh Hùng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN