Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ khí đốt toàn cầu giảm trong 3 năm tới

Thứ Tư, 11/10/2023 14:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Ngày 10/10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định, tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu sẽ chậm lại đáng kể trong trung hạn từ năm 2022 đến năm 2026 sau khi đạt đỉnh ở các thị trường trưởng thành như châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ vào năm 2021.

Nhu cầu khí đốt từ các thị trường trưởng thành ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ đã đạt đỉnh điểm vào năm 2021 và được dự báo sẽ giảm 1% mỗi năm cho đến năm 2026. (Ảnh: IEA)

Báo cáo Triển vọng thị trường khí đốt trung hạn hàng năm của IEA cho thấy, nhu cầu khí đốt toàn cầu đang trên đà tăng trung bình hàng năm là 1,6% từ năm 2022 đến năm 2026, chậm hơn so với mức tăng trung bình hàng năm là 2,5% trong giai đoạn từ năm 2017 cho đến năm 2021.

“Mặc dù căng thẳng thị trường đã hạ nhiệt trong 3 quý đầu năm 2023, nhưng nguồn cung khí đốt vẫn tương đối thắt chặt và giá cả tiếp tục biến động mạnh, phản ánh sự cân bằng mong manh trên thị trường khí đốt toàn cầu”, IEA cho biết.

IEA lưu ý, mức tiêu thụ khí đốt trên các thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ sẽ giảm trong trung hạn do các nước trong khu vực này đang đẩy mạnh triển khai các dự án năng lượng tái tạo và nâng cao các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng.

Theo báo cáo, nhu cầu khí đốt nói chung từ các thị trường trưởng thành ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ đã đạt đỉnh điểm vào năm 2021 và được dự báo sẽ giảm 1% mỗi năm cho đến năm 2026.

Cơ quan này cho biết thêm, tăng trưởng nhu cầu khí đốt sẽ tập trung chủ yếu ở các thị trường đang phát triển nhanh ở châu Á và các nước nhiều khí đốt ở châu Phi và Trung Đông.

Đối với các thành viên châu Âu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhu cầu khí đốt được dự báo giảm 5% trong năm 2023. “Điều này phần lớn là do ngành điện của các nước này đã giảm gần 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong khi mở rộng phát triển năng lượng tái tạo”, IEA cho hay.

Xung đột Nga - Ukraine diễn ra vào năm ngoái đã khiến nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống từ Nga đến châu Âu giảm, gây ra cuộc chạy đua về nguồn cung cấp năng lượng thay thế.

Việc tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng là một trong những động lực chính dẫn đến xu hướng giảm giá khí đốt tự nhiên tại các thị trường này.

Đối với châu Âu, việc mất lượng khí đốt vận chuyển bằng đường ống từ Nga đã buộc các Chính phủ phải tìm kiếm giải pháp thay thế để duy trì an ninh năng lượng.

Trong báo cáo, IEA một lần nữa kêu gọi các nước giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt thông qua các biện pháp cải thiện hiệu quả năng lượng, đẩy nhanh triển khai các dự án năng lượng tái tạo và thay đổi hành vi./.

H.Hà (Theo Reuters, Xinhua)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN