Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Huyện Trấn Yên (Yên Bái) nỗ lực khắc phục hậu quả bão lũ

Thứ Năm, 19/09/2024 23:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái). Cùng với những thiệt hại về người, nhà ở, cơ sở hạ tầng..., sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Trấn Yên hiện cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức nghiêm trọng.

Tổng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp khoảng 350 tỷ đồng  

Theo báo cáo của UBND huyện Trấn Yên về thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3, toàn huyện có có 04 người chết, 04 người bị thương. Tổng thiệt hại về nhà ở là 184 nhà, 17 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng và thiệt hại. Sạt lở nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn 21 xã, thị trấn với khối lượng đất đá sạt lở khoảng 713.000 m3, gây hư hỏng nhiều đoạn hành lang đường và cống qua đường... Ước tính bão số 3 đã gây ra thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về sản xuất nông nghiệp khoảng 350 tỷ đồng.

Cũng theo số liệu thống kê của UBND huyện Trấn Yên, tổng diện tích cây trồng bị mất trắng trên địa bàn huyện là 2.172,5 ha, trong đó diện tích lúa: 844,2 ha; diện tích ngô: 197,5 ha; rau màu các loại: 188,6 ha; cây ăn quả: 87,6 ha; cây lâm nghiệp: 99,1 ha..., ngoài ra còn nhiều thiệt hại về gia súc, gia cầm (chết 423 con lợn, hơn 286.000 con gia cầm...) và nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý, là một huyện có diện tích trồng dâu lớn, Trấn Yên cũng bị thiệt hại nặng về nghề dâu tằm.

 Một cánh đồng trồng dâu tằm ở xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên) bị mất trắng do mưa lũ, ngập úng.

Đưa đoàn công tác của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đi cơ sở để nắm tình hình thiệt hại do bão số 3 tại địa phương, ông Lê Hồng Giang, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Trấn Yên cho biết: Toàn huyện có khoảng 1.000 ha dâu với hơn 1.500 hộ dân nuôi tằm, hằng năm thu nhập gần 200 tỷ đồng, tập trung tại các xã: Việt Thành, Y Can, Đào Thịnh, Báo Đáp… Cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã khiến hơn 654 ha dâu bị ngập úng, gần như mất trắng. Do ngập lụt, nhiều hộ dân thu hoạch kén tằm nhưng không thể đưa đi bán, kén đã già và không sử dụng được nên nông dân phải ngậm ngùi bỏ đi. Hàng trăm hộ dân đang nuôi tằm cũng phải bỏ tằm vì phần lớn diện tích dâu bị ngập úng, không còn lá dâu cho tằm ăn. Thiệt hại về nghề dâu tằm tại huyện Trấn Yên là rất lớn, hiện đang được tiếp tục thống kê.

Đứng trước cánh đồng dâu trơ gốc, nhuộm màu bùn đất, Phó Chủ tịch UBND xã Báo Đáp Nguyễn Văn Nguyên cho biết: Ngay sau khi nước rút, xã tổ chức rà soát, đánh giá thiệt hại, diện tích dâu nào có thể khắc phục thì tiếp tục chăm sóc, còn lại sẽ phải trồng mới để ổn định vùng trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, phần lớn diện tích dâu bị ngập sâu, nhiều khu vực bị bùn đất vùi lấp dày hàng mét nên dâu bị chết, diện tích phải trồng lại rất lớn, nên việc quan trọng nhất là phải có chính sách hỗ trợ cải tạo đất, cây giống để nông dân sớm ổn định sản xuất.

Ông Lê Hồng Giang, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Trấn Yên (ngoài cùng bên phải) và ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Báo Đáp (ngoài cùng bên trái) trao đổi với cán bộ, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về tình hình công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại địa phương.

Còn tại xã Việt Thành, lũ cũng về quá nhanh, nông dân trở tay không kịp, cả vùng trồng dâu vốn là nguồn sinh kế chính của hơn 300 hộ dân trong xã gần như bị xóa sổ do ngập úng kéo dài. Đến thời điểm hiện nay, khoảng 70% diện tích của cánh đồng dâu gần 220 ha nằm sát bờ sông Hồng vẫn bị ngập sâu, bùn đất vùi lấp.

Ông Lê Hồng Giang, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Trấn Yên cũng thông tin về kế hoạch tháng 10 tới đây, huyện Trấn Yên sẽ trình hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, do hậu quả nặng nề của cơn bão số 3 thì có lẽ kế hoạch này sẽ phải lùi lại không biết đến bao giờ. Huyện đang nghiên cứu và đề xuất sớm có giải pháp cấp bách nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây dâu tằm. Huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương triển khai tập huấn đầu bờ cho cán bộ nông nghiệp huyện và bà con nông dân, để từ đó mỗi người được tập huấn sẽ là một tuyên truyền viên tiếp tục triển khai cho các hộ, các địa phương khác trong thời gian sớm nhất.

Nỗ lực khắc phục hậu quả bão lũ, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất của nhân dân

Tuyến đường tỉnh 163 từ thành phố Yên Bái đi thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên) chạy song song với sông Hồng nên khi lũ về, nước dâng cao khiến lượng bùn đất vùi lấp ước tính hàng chục nghìn khối, có nơi bùn cao hơn 1m, nhiều đoạn đường bùn đất quyện với rác thải ngổn ngang. Anh Trần Đình Quân, công nhân lái máy xúc của Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông Yên Bái chia sẻ: Sau hơn 4 ngày bám công trường, dọn bùn trên tuyến, tôi thấy hậu quả mưa lũ để lại thật khủng khiếp. Để sớm thông đường, đơn vị đã huy động tổng lực máy xúc ở các điểm dự phòng cùng tham gia dọn bùn tại khu vực được phân công trên tuyến nhằm sớm giải phóng đường, giúp người và phương tiện giao thông trong có xe của các đoàn cứu trợ đi qua an toàn.

Huy động tổng lực các máy xúc tham gia dọn bùn trên tuyến đường tỉnh 163 đi qua huyện Trấn Yên vào thành phố Yên Bái. 

Xã Tân Đồng (huyện Trấn Yên) cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ bão lũ. Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Đồng bị thiệt hại nghiêm trọng do sạt lở đất, ảnh hưởng đến việc học tập của 298 học sinh ở 8 lớp học.

Ông Trần Đức Học, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Đồng cho biết, rất may là thời điểm xảy ra sạt lở vào ngày nghỉ nên không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, một phần dãy nhà học chính nằm sát đồi đã bị sập, trong khi dãy lớp học phía sau cũng bị đất sạt lở làm đổ tường. Hiện nhà trường đang tiến hành dọn dẹp nhưng không thể duy trì việc học tập của học sinh tại trường vì khu vực này không còn an toàn.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Đồng bị thiệt hại nghiêm trọng do sạt lở đất.

Để đảm bảo việc học tập của học sinh, địa phương đã bố trí cho 8 lớp học nhờ tại trụ sở UBND xã Tân Đồng, trường Mầm non và trường Tiểu học gần đó. Phương án này dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng 6 tháng, cho đến khi công trình của trường bị hư hỏng được cải tạo, xây dựng lại. Các thầy cô giáo đang tích cực chung tay dọn dẹp khuôn viên trường và vệ sinh các phòng học, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh sớm trở lại trường học tập.

Thiệt hại do bão lũ không chỉ là những con số, mà đằng sau đó là nỗi đau và mất mát của hàng nghìn gia đình. Huyện Trấn Yên đang khẩn trương triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ người dân tái sản xuất và ổn định cuộc sống.

Trấn Yên là một trong những huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Yên Bái trong đợt bão lũ vừa qua, trong đó có thiệt hại về sản xuất nông nghiệp.  

Về công tác tiếp nhận và cứu trợ nhân dân, huyện Trấn Yên đã thành lập Ban tiếp nhận phân phối và sử dụng nguồn đóng góp và cứu trợ của các tổ chức, cá nhân tại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện. Đến nay, huyện đã đón nhận hàng cứu trợ của 600 đoàn đến hỗ trợ, đã tiếp nhận hơn 80 tấn gạo, gần 10.000 hộp mì tôm, suất bánh khô, nước; 5.000 suất nhu yếu phẩm như mắm, muối; đèn pin 750 cái, áo phao 1.000 cái; 1.500 suất cơm, đồ ăn nhanh. Trước mắt các suất hỗ trợ được đưa đến 11 xã bị thiệt hại nặng, cần cứu trợ đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân.

Để tiếp tục khắc phục hậu quả nặng nề do bão lũ, tổng kinh phí huyện Trấn Yên đang đề nghị được hỗ trợ là gần 160 tỷ đồng, trong đó bao gồm kinh phí hỗ trợ về an sinh xã hội; kinh phí hỗ trợ thiệt hại các loại cây trồng, vật nuôi, khắc phục khẩn cấp cơ sở hạ tầng; hỗ trợ công tác điều hành, chỉ đạo và các trang thiết bị phục vụ việc khắc phục khẩn cấp hậu quả do bão lũ.../.

Nhóm phóng viên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN