Huyện Mường Tè quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo cho người dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - Trong các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) thì giáo dục nổi lên là một điểm sáng với quy mô trường lớp, số lượng học sinh và chất lượng giáo dục có bước phát triển rõ rệt. Kết quả đó là do sự quan tâm và nỗ lực của địa phương trong việc đảm bảo, thúc đẩy quyền được giáo dục và đào tạo cho người dân tộc thiểu số.
Mường Tè là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, cách thành phố Lai Châu hơn 120km về phía Tây Bắc; dân số khoảng trên 47 nghìn người, với các thành phần dân tộc gồm: Kinh, Thái, Hà Nhì, Si La, Mông, Cống, Giáy, Mảng, La Hủ. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 93% dân số.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội ở Mường Tè có nhiều bước phát triển mạnh. Hạ tầng cơ sở cơ bản được củng cố, tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người hàng năm tăng, tỷ lệ hộ nghèo/cận nghèo giảm; điều kiện phát triển y tế, văn hóa, giáo dục được tăng cường, hỗ trợ đầu tư.
Trong các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Mường Tè thì giáo dục nổi lên là một điểm sáng với quy mô trường lớp, số lượng học sinh và chất lượng giáo dục có bước phát triển rõ rệt. Với tỷ lệ người dân tộc thiểu số gần 93%, có thể nói thành tựu công tác giáo dục ở Mường Tè về cơ bản là thành tựu giáo dục dân tộc.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Ka Lăng, huyện Mường Tè (Ảnh: CTV) |
Hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường các cấp ở Mường Tè đạt trên 95%. Đến hết năm 2021, huyện có 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 1 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 (13/14 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức 2 trở lên).
Có 18/36 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (Mầm non 8/14 trường, Tiểu học 5/7 trường, THCS 5/15 trường).
Đến tháng 10/2022, huyện đảm bảo đạt các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập trung học cơ sở mức độ 1 và xóa mù chữ mức độ 1.
Điều kiện bảo đảm đối với phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi như sau: số giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi là 183/104 lớp, đạt tỉ lệ 1,76. Số giáo viên có chuẩn trình độ đào tạo: 183/183, tỉ lệ 100%; trong đó: trên chuẩn 97/183 đạt 53%; 100% giáo viên lớp 5 tuổi đạt chuẩn nghề nghiệp.
Số phòng học (phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục) cho lớp mẫu giáo 5 tuổi là 104 phòng, đạt tỉ lệ 01 phòng/lớp, diện tích sinh hoạt chung 3 m2/trẻ.
Số lớp mẫu giáo 5 tuổi có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu là 104/104 lớp, tỉ lệ 100%.
100% số trường mầm non có sân chơi xanh, sạch, đẹp, an toàn; sân chơi có đồ chơi ngoài trời được sử dụng thường xuyên; có đủ nguồn nước, các công trình vệ sinh và hệ thống thoát nước hợp vệ sinh.
Đối với phổ cập giáo dục tiểu học: Số giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo 428/428 đạt 100%, trong đó trên chuẩn: 392/428, đạt 91,59%. Tỷ lệ giáo viên/lớp: 428/275 đạt 1,56. Số giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp: 428/428 đạt 100%.
Số phòng học 349 phòng; tỉ lệ phòng/lớp: 349/275 đạt 1,43. 100% số trường có phòng chức năng cơ bản đảm bảo đủ theo quy định. 100% số lớp có thiết bị dạy học và được sử dụng thường xuyên.
100% số trường có sân chơi, bãi tập và được sử dụng thường xuyên, đảm bảo an toàn; có nguồn nước sạch và hệ thống thoát nước đảm bảo; công trình vệ sinh sử dụng thuận tiện.
Đối với phổ cập giáo dục trung học cơ sở, số giáo viên chuẩn trình độ đào tạo và đạt chuẩn nghề nghiệp: 220/220, tỉ lệ 100%.
Số phòng học: 143 phòng; tỉ lệ phòng/lớp: 143/118 đạt 1,21. 100% số lớp có đủ thiết bị dạy học và được sử dụng thường xuyên.
100% số trường có sân chơi, được sử dụng thường xuyên, đảm bảo an toàn; có nguồn nước hợp vệ sinh và hệ thống thoát nước đảm bảo; công trình vệ sinh sử dụng thuận tiện; có công trình vệ sinh dành riêng cho học sinh, giáo viên, nam riêng nữ riêng.
Đối với công tác xoá mù chữ, từ tháng 10/2021 đến 10/2022, huyện đã mở được 15 lớp, xóa mù chữ cho 326 học viên. Các đơn vị có đủ phòng lớp học, bàn ghế và các thiết bị dạy học đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các học viên tham gia học tập. Huyện có đủ các điều kiện đảm bảo đạt chuẩn xoá mù chữ.
Học viên lớp xóa mù chữ tại xã Tà Tổng, huyện Mường Tè (Ảnh: CTV) |
Theo đánh giá của UBND huyện Mường Tè, các chỉ tiêu phổ cập giáo dục, xoá mù chữ đều đạt và vượt kế hoạch. Chất lượng phổ cập giáo dục, xoá mù chữ được nâng lên. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp ở các bậc học đạt và vượt kế hoạch là cơ sở đảm bảo cho huyện thực hiện được kế hoạch phổ cập giáo dục, xoá mù chữ năm 2022 và các năm tiếp theo.
Trong bối cảnh huyện Mường Tè có tổng diện tích tự nhiên gần 268 nghìn ha, chiếm gần 30% diện tích tỉnh Lai Châu, có 14 đơn vị hành chính, trong đó có 6 xã biên giới, địa hình chia cắt phức tạp, mật độ dân số thấp, dân cư sống phân tán thì những thành tựu về giáo dục nêu trên là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo; sự nỗ lực vượt khó của ngành Giáo dục, của các thầy, cô giáo và sự ủng hộ, tạo điều kiện cho con em được đến trường của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ huyện đã tích cực chỉ đạo tuyên truyền sát sao đến các xã, thị trấn hiểu rõ mục đích của công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ. Có kế hoạch chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra công nhận duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xoá mù chữ đối với các xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục, xoá mù chữ theo các tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo theo quy định.
Ngoài ra, quy mô, mạng lưới trường lớp được ổn định, chế độ chính sách của Nhà nước hỗ trợ học tập đối với học sinh dân tộc thiểu số đã tác động tích cực tới việc huy động và duy trì sĩ số. Nhiều tập thể, cá nhân tích cực tham gia công tác xã hội hóa giáo dục, hỗ trợ các đơn vị về vật chất và tinh thần, tạo môi trường giáo dục thân thiện, tích cực.
Với những kết quả đã đạt được là động lực để Mường Tè đặt mục tiêu đến hết năm 2023, duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 tại tất cả các xã, thị trấn; 13/14 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 trở lên và 7/14 xã, thị trấn đạt mức độ 3; 9/14 xã, thị trấn đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2 nhằm thúc đẩy quyền được giáo dục và đào tạo - một trong những quyền được ghi nhận tại Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc mà Việt Nam là thành viên.
Để thực hiện mục tiêu này, huyện Mường Tè đang tập trung tuyên truyền vận động toàn dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đảm bảo phong trào xã hội hoá giáo dục phát triển sâu rộng và vững chắc.
Các đơn vị trường học được huyện yêu cầu phải có giải pháp huy động đảm bảo tỷ lệ học sinh ra lớp, chuyên cần, trọng tâm tại các trường thuộc xã Tá Bạ, Pa Ủ, Tà Tổng, Bum Tở, Pa Vệ Sủ. Các trường vùng khó huy động học sinh lớp 3, 4, 5 ở các điểm trường lẻ về học tại điểm trường chính. Thực hiện đảm bảo các điều kiện huy động học sinh ra lớp nâng cao tỉ lệ chuyên cần theo kế hoạch, tối thiểu tỷ lệ chuyên cần các tháng giáp hạt trên 93%). Tích cực vận động, huy động người mù chữ tham gia các lớp xóa mù chữ để nâng cao tỉ lệ biết chữ cho người dân…