Huyện Đà Bắc (Hòa Bình) chăm lo đời sống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - Huyện Đà Bắc (Hòa Bình) có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐB DTTS) chiếm đến gần 90%, địa hình đa phần là đối núi cao, hiểm trở, thường xuyên hứng chịu các đợt thiên tai. Xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình để nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Không còn phải lo lắng, đi xin từng chậu nước sinh hoạt vào mùa khô, giờ đây, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn có thể yên tâm về nguồn nước sinh hoạt đầy đủ, đảm bảo vệ sinh. Bà Hoa phấn khởi chia sẻ: “Đầu năm nay, gia đình được chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ téc nước dự trữ nguồn nước dẫn từ trên đồi cao để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Trung bình mỗi bể chứa có thể đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình trong khoảng 1 tuần. Trong khi đó trước đây khi chưa có bể chứa nước, gia đình phải hứng từng xô, từng chậu để sử dụng nấu ăn, tắm giặt hàng ngày.
Bà Nguyễn Thị Hoa, xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn đã yên tâm về nguồn nước sinh hoạt đầy đủ, đảm bảo vệ sinh |
Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán là một trong những tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng ĐB DTTS và miền núi. Cụ thể từ đầu năm 2023 đến nay đã thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 720 hộ trên địa bàn 16/16 xã với tổng kinh phí 2,16 tỷ đồng. Trong đó đã thực hiện cấp phát 705 téc chứa nước sinh hoạt cho 705 hộ và vật dụng dẫn nước cho 9 hộ, hoàn thiện thủ tục nghiệm thu 6 hộ tự xây bể chứa nước.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Dân tộc huyện Đà Bắc tiếp tục tăng cường công tác tham mưu với UBND huyện thực hiện tốt công tác dân tộc. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng triển khai các hoạt động hỗ trợ, quan tâm chăm lo đời sống cho người dân vùng ĐB DTTS. Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 45/QĐ-TTg đảm bảo đúng đối tượng.
Mô hình “Nuôi cá lồng và chế biến thủy sản” của người dân xóm Điêng Lựng, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện. Theo đó, tổng nguồn vốn Trung Ương đã phân bổ cho Chương trình là 220.333 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển là 127.600 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 92.733 triệu đồng). Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương trong trong giai đoạn 2 năm (2022 - 2023) đã thực hiện được 77 công trình đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho bà con nhân dân vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó có 17 công trình đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Các công trình đầu tư xây dựng được thực hiện xuất phát từ nhu cầu, đề xuất của bà con nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, có sự tham gia của bà con nhân dân trong quá trình lập kế hoạch, thực hiện thi công, giám sát thi công lên đạt chất lượng rất cao và mang lại hiệu quả thiết thực.
Đồng chí Đinh Thị Năm, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đà Bắc cho biết: “Nhằm thực hiện hiệu quả công tác chăm lo cho ĐB DTTS trên địa bàn, phòng tiếp tục tham mưu với UBND huyện chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện một số chương trình, dự án, chính sách dân tộc đối với vùng ĐB DTTS trên địa bàn huyện kế hoạch năm đã đề ra. Tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng ĐB DTTS và miền núi trên địa bàn huyện. Chú trọng hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của đồng bào DTTS; phát triển giáo dục đào tạo… Qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng và sinh hoạt của bà con Nhân dân vùng ĐB DTTS, nhanh chóng cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập và thúc đẩy phát triển KT – XH địa phương.