Hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên có bảo hiểm y tế
(ĐCSVN) – Trong các năm qua, công tác bảo hiểm y tế học sinh sinh viên (BHYT HSSV) luôn được tổ chức, thực hiện hiệu quả với sự phối hợp giữa ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), Giáo dục& Đào tạo (GD&ĐT), Y tế. Tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Bước sang năm học mới, cả nước phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, năm học 2015 - 2016, nước ta có khoảng 22,21 triệu HSSV, chiếm khoảng 26% tổng dân số cả nước. Tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 90,5%, tương ứng khoảng 15,6 triệu.
Trong các năm qua, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm học: Năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT; năm học 2012-2013 đạt khoảng 80%; năm học 2013-2014 là 85%, tương ứng với gần 14,82 triệu HSSV có thẻ BHYT. Năm học 2015-2016, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 90,5%, tương ứng khoảng 15,6 triệu em.
Đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực cố gắng của các ngành BHXH, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế trường học trên khắp cả nước. Theo sự chỉ đạo từ BHXH Việt Nam, hàng năm BHXH các tỉnh, thành phố đều chủ động tiến hành ký kết chương trình phối hợp với sở giáo dục và đào tạo, thành lập ban chỉ đạo thực hiện, đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể với phòng giáo dục và đào tạo các huyện, các trường học trên địa bàn.
Bên cạnh đó, từ khi thực hiện Luật BHYT đến nay, cùng với số thu BHYT HSSV tăng đều qua các năm, số kinh phí trích lại từ tiền thu BHYT dành cho y tế học đường cũng tăng lên đáng kể. BHYT HSSV đã phát huy hiệu quả thiết thực với công tác chăm sóc sức khỏe học đường. Nếu như năm 2006, số chi cho công tác này là trên 75 tỷ đồng, thì năm học 2015 - 2016 tăng lên xấp xỉ 600 tỷ đồng.
Cũng theo quy định tại Luật BHYT, HSSV là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT và được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, nhưng năm học 2015 - 2016 vẫn còn khoảng 2,4 triệu HSSV (gần 10% HSSV) chưa tham gia BHYT… Tỷ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đồng đều và chưa đạt yêu cầu theo quy định bắt buộc của Luật BHYT. Tại một số tỉnh, thành phố tỷ lệ tham gia vẫn còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước…
Ông Trần Đình Liệu cho biết, bước sang năm học 2016-2017, chúng ta đang có nhiều điều kiện thuận lợi để mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trở thành hiện thực.
Theo đó, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố báo cáo, tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố để có văn bản chỉ đạo các trường học thực hiện chính sách BHYT HSSV, giao chỉ tiêu tham gia BHYT cho từng cơ sở giáo dục, đưa tỷ lệ HSSV tham gia BHYT thành một trong các tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT; phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vận động HSSV; phân loại HSSV chưa tham gia BHYT theo hộ gia đình để phối hợp với nhà trường vận động tham gia BHYT.
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức thu BHYT HSSV theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT/BYT-BTC; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho HSSV tham gia BHYT. Trong đó, lưu ý linh hoạt phương thức thu phí BHYT để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học, để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và đảm bảo quyền lựa chọn phương thức đóng của HSSV. Đối với SV mới nhập học, HS mới chuyển cấp, mới vào lớp 1, thực hiện thu phí BHYT của những tháng còn lại năm 2016, thời hạn ghi trên thẻ BHYT tương ứng với số tiền nộp vào quỹ BHYT. Đối với HSSV đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2016. Có thể thu phí BHYT HSSV 6 tháng hoặc một năm một lần; và chỉ thực hiện thu một lần nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT tương ứng với số tiền nộp vào quỹ BHYT.
Cũng theo ông Trần Đình Liệu, để đảm bảo quyền lợi cho HSSV tham gia BHYT, năm học 2016 - 2017, BHXH Việt Nam sẽ cấp thẻ BHYT trước cho toàn bộ HSSV, gắn trách nhiệm của nhà trường trong việc thực hiện thu BHYT phần trách nhiệm đóng của HSSV theo hướng linh hoạt (3 tháng, 6 tháng, 12 tháng) để giảm nhẹ số tiền đóng góp.
Ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh, kinh nghiệm từ những năm học trước, từ những địa phương đạt tỷ lệ HSSV tham gia BHYT cao cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và sự vào cuộc của ngành GD&ĐT là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của chính sách. Ở địa phương nào, chính quyền quan tâm chỉ đạo sát sao thì ở nơi đó tỷ lệ HSSV tham gia nhiều hơn. BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT./.