Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hướng đi nào cho phát triển du lịch “sống chung” với đại dịch?

Thứ Hai, 04/10/2021 10:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực khôi phục hoạt động du lịch để thích ứng với bối cảnh “sống chung” với đại dịch COVID-19.

Tập trung phát triển du lịch nội địa

Sau thời gian dài “đóng cửa” do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, một số tỉnh, thành phố trên cả nước bắt đầu lên kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch bằng những tour khép kín, cho phép các điểm du lịch cùng một số dịch vụ được đón khách nội tỉnh nhưng phải đáp ứng đủ các tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch.

Ở khu vực phía Nam, ngày 19/9 vừa qua, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hai chương trình du lịch thí điểm dành cho lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi tổ chức chương trình tham quan “Hành trình xanh về miền Đất thép” dành cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố.

 Lực lượng y, bác sĩ tham gia chương trình “Cần Giờ - Thiên nhiên tươi đẹp” (ngày 19/9) tại Khu Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Bích Vân

Trong thời gian từ ngày 19/9/2021 đến ngày 8/10/2021, Sở Du lịch phối hợp các đơn vị tổ chức 11 chương trình tham quan “Cần Giờ - Thiên nhiên tươi đẹp” và 6 chương trình “Hành trình xanh về vùng Đất thép” với sự tham dự của gần 2.000 y bác sĩ và các lực lượng tham gia tuyến đầu phòng chống dịch bệnh. Đây là các chương trình tham quan về nguồn nhằm giáo dục truyền thống lịch sử và giới thiệu những đặc trưng về văn hoá, làng nghề, cảnh quan thiên nhiên của hai địa phương. Chương trình được tổ chức đi và về trong ngày theo hình thức khép kín với các điểm đến ngoài trời, tách biệt với các khu dân cư, thuộc khu vực “vùng xanh” đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Đây cũng là các điểm đến đặc sắc, nổi tiếng nhất định phải đến của du khách trong nước và quốc tế khi đến Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua.

Với lợi thế du lịch sông nước, miệt vườn, hàng năm, Tiền Giang đón một lượng lớn khách quốc tế đến tham quan, du lịch. Tuy nhiên, do yêu cầu phòng, chống dịch nên ngành Du lịch chưa thể đón khách quốc tế. Điều này, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch. Từ thực tế trên, kích cầu du lịch nội địa là một trong những giải pháp được các doanh nghiệp lựa chọn. Theo đó, nhiều công ty lữ hành đã đẩy mạnh chương trình quảng bá để thu hút người dân đi du lịch. Mặt khác, các doanh nghiệp còn giảm giá các tour, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng phục vụ để thu hút khách.

Thực tế cho thấy, để từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch, bên cạnh việc tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới là yêu cầu đặt ra hiện nay. Bởi vấn đề của du lịch Tiền Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung hiện nay là các sản phẩm na ná nhau. Du khách chỉ cần đi đến nơi này thì có thể hình dung được sản phẩm của nơi khác. Do đó, tạo ra sản phẩm mới, tạo sự khác biệt chính là "bài toán" đặt ra hiện nay đối với các công ty lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch.

Theo ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, ngành VH-TT&DL đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch dựa trên các yếu tố tác động. Giải pháp kích cầu du lịch là tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, hạn chế tối thiểu các doanh nghiệp phá sản. Đồng thời, tiếp tục mời gọi đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án để tạo ra những sản phẩm du lịch mới. Bên cạnh đó, ngành VH-TT&DL sẽ tăng cường công tác kích cầu du lịch. Trong điều kiện chưa mở cửa đón khách quốc tế, các khu, điểm du lịch chỉ hoạt động đạt 50% công suất. Do đó, ngành VH-TT&DL sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp công tác đào tạo, bởi trước đây khi các doanh nghiệp hoạt động hết công suất thì khó cử lực lượng tham gia đào tạo. Thời điểm này là cơ hội để tăng cường công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng điểm đến".

Điểm chung của các tỉnh, thành phố cho “hé cửa” với du lịch là đều có độ phủ vaccine lớn, đặc biệt với các đối tượng chỉ định tiêm, trong đó, tỉnh Quảng Ninh là địa phương hoàn thành tiêm mũi 1 sớm nhất cả nước. Sau 84 ngày không có ca nhiễm COVID-19 thứ phát trong cộng đồng và trở thành địa phương an toàn về dịch, ngày 21/9, tỉnh Quảng Ninh đã mở lại một số hoạt động dịch vụ, các điểm du lịch, di tích, danh thắng, các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở dịch vụ nội tỉnh gắn với việc kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Theo Quảng Ninh, việc giữ được địa bàn an toàn là điều kiện quan trọng nhất để tỉnh có thể phục hồi hoạt động du lịch. Dự kiến trong tháng 11 và 12 tới Quảng Ninh sẽ kết hợp kích cầu du lịch nội tỉnh với thu hút khách du lịch ngoại tỉnh. Trong đó tập trung ở các địa phương phía bắc; chỉ đón khách từ các địa phương đã qua 14 ngày không xuất hiện các ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng. Khách du lịch bắt buộc phải tiêm 2 mũi vaccine và có xét nghiệm Realtime PCR trong 48 giờ.

Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu thu hút khách du lịch đến tỉnh trong các tháng còn lại của năm 2021 đạt mức độ cao nhất trong điều kiện bình thường mới; phấn đấu quý IV/2021 đón được 1,9-2 triệu lượt khách du lịch, tổng thu đạt 4.000-4.500 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, mục tiêu của thành phố là bảo đảm chung sống một cách chủ động, an toàn với dịch COVID-19, do vậy việc xây dựng phương án cho quá trình khởi động lại hoạt động du lịch Thủ đô đang được ngành du lịch tính đến, để sớm thu hút khách du lịch trở lại. Trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch gần như đình trệ, do vậy thời gian từ nay đến cuối năm, ngành Du lịch Thủ đô cần phải nỗ lực hơn bao giờ hết.

Mở cửa đón khách quốc tế

Ngày 10/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chính thức gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ VHTTDL về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Việc triển khai đón khách quốc tế đến Phú Quốc là một trong những "cánh cửa" mở ra cơ hội cho ngành du lịch tái phục hồi sau một thời gian dài liêu xiêu vì dịch bệnh COVID-19.

 Phú Quốc sẽ là địa điểm đầu tiên thí điểm đón khách quốc tế trong thời gian tới (Ảnh minh họa: TL)

Theo đề xuất của Bộ VHTTDL, thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc triển khai trong 6 tháng, dự kiến bắt đầu từ tháng 10 và chỉ giới hạn một số khu, điểm trên địa bàn TP Phú Quốc. 3 tháng đầu tiên sẽ đón từ 3.000-5.000 khách/tháng, thông qua các chuyến bay thuê chuyến, triển khai phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế. Nếu kết quả giai đoạn 1 đảm bảo yêu cầu, 3 tháng tiếp theo sẽ mở rộng quy mô đón từ 5.000- 10.000 khách/tháng, có thể đón khách thông qua các chuyến bay quốc tế thường lệ và mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ khách du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, khách đến Phú Quốc vào thời gian này phải thông qua chương trình du lịch trọn gói do doanh nghiệp lữ hành tổ chức và phải đáp ứng một số yêu cầu khác. Cụ thể, du khách phải tiêm đủ liều vaccine theo quy định, có giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (bằng tiếng Anh) với kết quả âm tính.

Khách phải có hợp đồng bảo hiểm y tế, bảo hiểm du lịch theo quy định. Trẻ em dưới 12 tuổi được phép đi cùng cha mẹ, hoặc người giám hộ đã được tiêm chủng đầy đủ. Các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cũng phải đáp ứng nhiều tiêu chí nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho du khách, người lao động trực tiếp tham gia đón khách vừa đảm bảo cung cấp dịch vụ du lịch chất lượng…

 Một trong những yêu cầu được quan tâm hàng đầu khi thực hiện thí điểm đón khách vào tháng 10 là ít nhất 70% dân cư và người lao động tại TP Phú Quốc từ tháng 7 đến tháng 9 sẽ được tiêm để đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng. Yêu cầu về tỷ lệ người được tiêm vaccine cũng đang là một trong những điểm nghẽn cần được tháo gỡ kịp thời khi triển khai kế hoạch nói trên. Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc thông tin tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Kiên Giang về Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc thì hiện nay, Phú Quốc mới chỉ tiêm cho 35% người dân từ 18 tuổi trở lên và cần 250.000- 300.000 liều vaccine cho người dân và người lao động. Nếu có vaccine, việc  tiêm chỉ trong vòng 15-20 ngày là có thể hoàn thành và sẽ đảm bảo tháng 10 bắt đầu đón khách. Nếu không đủ vaccine, việc đón khách có thể gặp khó khăn

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch cũng cho rằng, việc mở lại thị trường quốc tế sớm là hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp nhưng nên thành lập Tổ công tác về việc mở lại thị trường quốc tế để tư vấn về chính sách, thể chế, đảm bảo hoạt động an toàn; tổ chức thực hiện; thị trường, tiếp thị; hỗ trợ kết nối, tiếp cận các mô hình trên thế giới…

Trao đổi tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Kiên Giang về Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ sẽ cùng tỉnh Kiên Giang đề nghị Chính phủ phân bổ riêng gói vaccine cho Phú Quốc và phải đạt 90% dân số Phú Quốc được tiêm vaccine mới yên tâm mở lại thị trường quốc tế. Việc ứng dụng công nghệ để phục vụ việc đón khách, mở cửa thị trường sẽ đồng thời được đẩy mạnh. Bộ cũng thống nhất thành lập một Tổ công tác tư vấn và giám sát việc mở lại thị trường du lịch do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt là Tổ trưởng. Tất cả phải sẵn sàng và thống nhất, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và khách du lịch, khẳng định hình ảnh điểm đến Việt Nam.

Được biết, hiện nay, nhiều nội dung khác cũng đang được ngành VHTTDL tích cực chuẩn bị nhằm kích cầu lại hoạt động du lịch, lữ hành vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Theo kế hoạch, nếu thí điểm đón khách đến Phú Quốc thành công sẽ mở rộng đón khách tại nhiều điểm đến khác như Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt... Hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường.

Theo đó, chuyển đổi số trong ngành du lịch được đẩy mạnh với việc phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm, cơ sở dịch vụ du lịch; nâng cấp ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn", hệ thống đăng ký và khai báo an toàn www.safe.tourism.com.vn, xây dựng hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vaccine www.travelpass.tourism.vn.

Với doanh nghiệp, Bộ sẽ đề xuất triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với hoạt động khôi phục kinh doanh, trả lương người lao động, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 của Chính phủ và có các đề xuất về xuất miễn, giảm thuế đối với các khoản chi phí kích cầu, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, hỗ trợ chuyển đổi số, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch…

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Lam Ngọc

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN