Hướng đi nào cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam?
(ĐCSVN) - Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam đã kết thúc hành trình chinh phục vòng chung kết World Cup bóng đá nữ đầu tiên trong lịch sử với nhiều kỳ vọng và cả những thách thức đặt ra cho chặng đường phát triển tiếp theo.
Những cô gái Vàng của bóng đá Việt Nam sẽ cần một lộ trình và một chiến lược để tiếp tục góp mặt và ghi danh ở các mùa World Cup sắp tới. (Ảnh: Cắt từ clip) |
Mặc dù không có được chiến thắng nào tại vòng chung kết bóng đá nữ thế giới, nhưng sân chơi World Cup 2023 là dấu mốc đáng nhớ cho bước khởi đầu của bóng đá nữ Việt Nam và làm thế nào để tiếp tục tiến bộ, thường xuyên góp mặt tại sân chơi này là một câu hỏi khó và cần sự chung tay của rất nhiều người.
Đội bóng đá nữ Việt Nam cùng 8 đội tuyển khác lần đầu tiên tham gia World Cup và trùng hợp với 8 suất mở rộng khi FIFA tăng số đội lên thành 32. Vòng chung kết bóng đá nữ thế giới 4 năm sau sẽ rất khác. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, sự vươn lên của Philippines, sự trở lại của đại kình địch Thái Lan và sự khó chịu của Myanmar sẽ là những rào cản rất lớn.
Chúng ta vẫn đang duy trì được vị thế tại sân chơi SEA Games với 4 chức vô địch liên tiếp nhưng việc chơi bóng ở sân chơi thế giới lại hoàn toàn khác. Sự vươn lên của các đội được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp như Uzbekistan hay sự trở lại của đội tuyển bóng đá nữ CHDCND Triều Tiên cần phải kể đến.
Tại World Cup 2023, tuổi đời trung bình của các cô gái Việt Nam khoảng 28 tuổi. Những trụ cột như Kim Thanh, Huỳnh Như, Trần Thu, Thùy Trang đã hơn 30 tuổi. Lứa cầu thủ vàng như Chương Thị Kiều, Dương Vân, Thái Thảo, Bích Thùy, Hải Yến, Tuyết Dung đã tiệm cận con số 30. Những nhân tố này thực sự khó để có thể góp mặt tại kỳ World Cup sắp tới. Có lẽ nòng cốt sẽ là các cầu thủ trẻ với những cái tên như Thanh Nhã, Hải Linh, Thu Thương, Vạn Sự, Thúy Hằng… Cùng với đó là sự bổ sung của lứa cầu thủ U.20 quốc gia như Kiều My, Thanh Thảo, Bảo Trâm, Vũ Thị Hoa, Trần Nhật Lan, Ngọc Minh Chuyên… Những cô gái sinh năm 2004 - 2005 đang thi đấu rất tiến bộ dưới sự dẫn dắt của HLV người Nhật Bản Akira Ijiri. U.20 Việt Nam đã thi đấu thành công và góp mặt tại VCK U.20 châu Á năm 2024. Đặc biệt trong trận đấu tranh ngôi vị nhất, nhì vòng loại của bảng A, các cầu thủ trẻ Việt Nam đã chơi rất ngoan cường và chỉ chịu thất bại một cách khá đáng tiếc trước U.20 Úc, một đại thụ của bóng đá nữ châu Á.
Đó thực sự là một lứa cầu thủ tiềm năng của bóng đá nữ Việt Nam, nhưng để đạt được trình độ và đẳng cấp của thế hệ đi trước là một điều không dễ dàng. Lứa cầu thủ Huỳnh Như - Tuyết Dung - Chương Thị Kiều - Kim Thanh thực sự là thế hệ "kim cương" mà sau rất nhiều năm bóng đá Việt Nam mới có được. Bản thân lứa cầu thủ này cũng từng vấp ngã khá nhiều trước khi có được thành công như hôm nay. Điều Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cần làm lúc này là đánh giá lại thực trạng của đội tuyển, quy hoạch lại toàn bộ lực lượng nhân sự. Có những chiến lược đào tạo, bố trí những nhân tố trẻ vào đội hình chính trước khi nghĩ đến việc chuyển giao thế hệ. Nó cũng giống như cách Huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung sử dụng Hải Linh - Thanh Nhã - Thu Thương…
VFF cần có kế hoạch nâng cao thể chất, cải thiện chiều cao cho các nữ cầu thủ. Có kế hoạch tập huấn và giao hữu dài hạn với các quốc gia có nền phóng đá nữ phát triển trên thế giới để nâng cao sự cọ sát, tăng cường sức mạnh thể chất và tinh thần cho các nữ cầu thủ. Bên cạnh đó để cải thiện thể hình thể chất cũng như trình độ của các nữ cầu thủ, VFF cũng cần cân nhắc việc nhập tịch các nữ cầu thủ như cách làm của liên đoàn bóng đá Philippines.
Nguồn cầu thủ nữ của Việt Nam còn hạn chế, do phong trào đá bóng ở nữ giới còn có nhiều bất cập và còn chịu ảnh hưởng của định kiến xã hội. Vì vậy, để có nguồn cầu thủ dồi dào và sẵn sàng kế cận các thế hệ trước thì chất lượng giải vô địch quốc gia nữ Việt Nam phải được nâng tầm. Giải vô địch bóng đá nữ của chúng ta hiện nay chỉ có 5 - 6 đội tham gia, không có thể thức lên xuống hạng, thời gian thi đấu chỉ có 3 - 4 tháng. Không có thêm đội bóng mới và nhà tài trợ mới, bóng đá nữ Việt Nam chưa có cái gốc đủ vững để nâng tầm. Điều này khiến đội tuyển nữ Việt Nam khó vượt ngưỡng. Vì vậy, VFF cũng cần có kế hoạch phát triển bóng đá nữ phong trào từ trường học đến các địa phương, xóa dần định kiến xã hội về bóng đá nữ…. Kêu gọi thêm nhà tài trợ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cũng như quan tâm đến việc nâng cao đời sống vật chất của các nữ cầu thủ để họ yên tâm cống hiến cho bóng đá.
Không chỉ các cầu thủ, thành phần Ban huấn luyện (BHL), đặc biệt vị trí HLV trưởng cũng cần phải tìm kiếm và giao trọng trách này trong thời gian tới. HLV Mai Đức Chung đã lớn tuổi và cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Vị thuyền trưởng mới có thể trẻ hơn nhưng cần phải có "tâm" và đặc biệt phải có "tầm" vượt trội để dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Nhìn vào thành công của đội tuyển nữ Nhật Bản cũng như mối quan hệ khăng khít giữa VFF và Hiệp hội Bóng đá Nhật Bản (JFA), chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy được nhà cầm quân chất lượng.
Tháng 9/2023 này chúng ta đã bước vào hành trình mới tại ASIAD 19. Đó sẽ lại là một thử thách thật sự khi đội tuyển nữ Việt Nam cùng bảng với Nhật Bản, Nepal và Bangladesh. Nhiệm vụ không dễ dàng khi chúng ta phải giành kết quả thuận lợi trước đội Nhật Bản và có chiến thắng cách biệt trước 2 đối thủ còn lại để nắm lợi thế về điểm số, giành cơ hội đi tiếp. Đúng là khoảng thời gian 4 năm để đến với World Cup 2027 còn khá dài. Chúng ta cần những chiến lược cụ thể, những kế hoạch dài hạn và ngắn hạn. Nếu không được xây dựng một cách chi tiết, tỉ mỉ, đặc biệt là chúng ta không thực sự chuyển mình ngay từ hôm nay, rất có thể chúng ta sẽ phải quay lại điểm xuất phát ban đầu, và lúc đó giấc mơ World Cup lại xa xôi như nhiều năm về trước.
Tại Việt Nam, tình yêu bóng đá của người dân là vô bờ bến, người dân luôn yêu và cổ vũ hết mình cho bóng đá. Đối với đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam, sự cổ vũ tinh thần lại càng được thể hiện cao hơn vì những khó khăn, vất vả của môn thể thao này mà các nữ cầu thủ của chúng ta đã và đang trải qua cũng như những kết quả họ đã đạt được trên mọi hành trình đã qua. Tình yêu ấy là động lực to lớn để đội tuyển bóng đá nữ nước nhà hướng đến và đạt được những mục tiêu cao hơn trong tương lai./.