Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hướng dẫn về cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp lĩnh vực lưu trữ

Thứ Sáu, 02/08/2024 14:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BNV hướng dẫn về cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực lưu trữ.

Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực lưu trữ sau đây: 1. Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương; 2. Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.

Cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh được xác định theo Khoản 5 Điều 3, Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Số lượng người làm việc trong Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP và các căn cứ sau đây: Khối lượng tài liệu; Số lượng, đặc điểm nguồn nộp lưu; Loại hình tài liệu; Tình trạng vật lý của tài liệu; Đặc điểm ngôn ngữ của tài liệu; Yêu cầu phát huy giá trị tài liệu; Yêu cầu thực hiện các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ; Thực trạng kho lưu trữ chuyên dụng, hạ tầng thông tin và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin.

Số lượng người làm việc trong Lưu trữ lịch sử Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh không bao gồm số lượng người làm việc tại vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương: số lượng người làm việc tối thiểu là 24 người, tối đa là 90 người.

Đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh: số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người. Số lượng người làm việc tối đa đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước thuộc thành phố trực thuộc trung ương là 30 người, đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước thuộc tỉnh là 22 người.

Tiêu chí xác định số lượng người làm việc tăng thêm 

Đối với tài liệu lưu trữ giấy: số lượng tài liệu lưu trữ từ 2.000 mét giá tài liệu trở lên thì cứ 300 mét giá tài liệu được bố trí thêm 01 người.

Đối với tài liệu lưu trữ điện tử: Dung lượng tài liệu lưu trữ điện tử: mỗi 1.000.000 megabyte thì bố trí 01 người; Số lượng tài liệu ghi âm, ghi hình: mỗi 500 giờ nghe, giờ xem thì bố trí 01 người.

Đối với tài liệu lưu trữ Mộc bản: từ 15.000 tấm trở lên thì cứ 1.500 tấm bố trí thêm 01 người.

Đối với Lưu trữ lịch sử có kho lưu trữ chuyên dụng được bố trí thêm tối đa 03 người.

Căn cứ quy định tại Điều 3 và Điều 5 Thông tư này, người có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng người làm việc tăng thêm so với số lượng người làm việc tối thiểu của các Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh.

Trường hợp số lượng người làm việc hiện có vượt quá số lượng người làm việc tối đa quy định tại Thông tư này thì người có thẩm quyền quyết định việc bố trí, sắp xếp, sử dụng viên chức theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc lĩnh vực lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập theo quy định của pháp luật xem xét áp dụng quy định tại Thông tư này để xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2024./.

TG

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN