Hướng dẫn kỹ năng ứng phó động đất cho người dân huyện Kon Plông
(ĐCSVN) – Viện Vật lý Địa cầu phối hợp với chính quyền các xã tổ chức khảo sát thực địa, tuyên truyền, trình chiếu hình ảnh, hướng dẫn người dân ở huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) nâng cao kỹ năng ứng phó với động đất.
Cán bộ và chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng phó khi động đất xảy ra. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu) |
Ngày 2/8, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, Viện đang tích cực tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn những kỹ năng cơ bản nhằm giúp người dân tại khu vực tâm chấn động đất huyện Kon Plông (Kon Tum) ứng phó khi động đất.
Nội dung tuyên truyền giúp người dân hiểu động đất là gì, nguyên nhân vì sao xảy ra động đất. Cùng với đó, người dân được phổ biến kiến thức ứng phó khi động đất xảy ra; xử lý các tình huống giả định đặt ra (đang trong nhà, ngoài trời, trên đồi dốc…); lên kế hoạch phòng, chống thiên tai, động đất cho gia đình.
Viện Vật lý địa cầu tổ chức các buổi tuyên truyền tại nhà Rông, nhà văn hóa, hội trường Ủy ban Nhân dân xã, trường học…, thu hút rất đông người dân tham dự.
Những kiến thức được cung cấp tại đây sẽ giúp người dân có thêm niềm tin, kỹ năng thiết thực để không hoảng loạn, kịp thời áp dụng các biện pháp an toàn cho bản thân, gia đình khi động đất xảy ra. Dự kiến, việc tuyên truyền được Viện Vật lý địa cầu thực hiện đến hết ngày 4/8.
Cũng theo Viện Vật lý địa cầu, vào lúc 8 giờ 56 phút 33 giây ngày hôm nay (2/8), tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra trận động đất có độ lớn 3.3 độ richter, tại vị trí có tọa độ 14,780 độ vĩ Bắc - 108,295 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Cấp độ của trận động đất này không gây rủi ro thiên tai. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu cũng cho biết, hiện vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Trước đó, trong hôm qua (1/8), cũng tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, hệ thống của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã ghi nhận được 5 trận động đất có độ lớn từ 3.1 đến 3.3 xảy ra tại đây.
Như vậy, trong 6 ngày qua, 65 trận động đất đã xảy ra ở khu vực huyện Kon Plông, tần suất nhiều nhất từ khi khu vực này bắt đầu ghi nhận động đất kích thích xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện. Thống kê từ tháng 4/2021 đến nay, ở huyện Kon Plông (Kon Tum) ghi nhận gần 800 trận động đất.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, dự báo động đất kích thích tại Kon Plong sẽ kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm sau đó mới ổn định do đặc điểm địa chất khu vực xảy ra động đất. Tuy nhiên, trên thế giới cũng ghi nhận mối liên quan chặt chẽ giữa môi trường địa chất với hoạt động động đất kích thích như tại Ấn Độ, từng ghi nhận động đất kích thích kéo dài gần 40 năm trong môi trường địa chất đá biến chất hay có những nơi động đất kích thích có độ lớn mạnh.
Tại khu vực Kon Plong, Viện Vật lý địa cầu đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất với 11 trạm. Một đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực đã được phê duyệt và triển khai. Đây sẽ cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến động đất kích thích ở khu vực này. Động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn.
Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận. Bên cạnh đó, Viện sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này./.