Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hưng Yên: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội

Thứ Hai, 23/10/2023 20:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có điều kiện tự lực vươn lên, sử dụng vốn hiệu quả, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, những năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 27/2/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tín dụng chính sách xã hội, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

 Nguồn vốn chính sách xã hội đã trở thành kênh tín dụng tin tưởng của người dân huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 3.775 tỷ đồng (tăng 1.850 tỷ đồng so với thời điểm tháng 12/2014). Trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 203 tỷ đồng (tăng 175 tỷ đồng so với thời điểm tháng 12/2014), chiếm tỷ lệ 5,38% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Giai đoạn 2014-2023, có trên 280 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách với số tiền gần 8.000 tỷ đồng.

Nhìn chung, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, sử dụng vốn hiệu quả, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tín dụng chính sách xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm tình trạng cho vay nặng lãi và thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững (tỷ lệ hộ nghèo giảm về mức khoảng 0,5% đến năm 2025 và phấn đấu đến năm 2030 không còn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều) trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đưa mục tiêu, nhiệm vụ công tác tín dụng chính sách xã hội vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và từng giai đoạn ở địa phương, đơn vị. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội.

Tăng cường tuyền truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 27/2/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tín dụng chính sách xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TU ngày 21/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong đời sống xã hội và trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.

Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hưng Yên. Hằng năm, cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hưng Yên thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Lồng ghép nguồn vốn, nhất là nguồn vốn tín dụng ưu đãi vào chương trình mục tiêu, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội với nguồn vốn tín dụng chính sách nói chung và nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương nói riêng.

Đến năm 2025, tỷ lệ nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương trong tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hưng Yên đạt mức bình quân chung toàn quốc. Những năm tiếp theo, ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm ít nhất 15% tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hưng Yên. Đến năm 2030, phấn đấu tỷ lệ nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương trong tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hưng Yên đạt 30%,…

 Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. (Ảnh minh họa)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng, triển khai kế hoạch huy động, hỗ trợ, sử dụng vốn để ủy thác Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hưng Yên thực hiện cho vay theo các chương trình, mục tiêu, đối tượng, điều kiện vay theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, chính sách của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội, nhất là tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hưng Yên thực hiện bằng nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương. Xem xét, quy định mức vay, đối tượng vay vốn, điều kiện vay vốn phù hợp với thực tiễn địa phương bên cạnh quy định chung của Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội; ban hành các quy định, chính sách quản lý và bảo đảm an toàn nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương tại Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hưng Yên,…

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hưng Yên tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.

Nâng cao năng lực quản trị rủi ro và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay. 

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hưng Yên chịu trách nhiệm về chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội bảo đảm an toàn, hiệu quả vốn ủy thác từ ngân sách địa phương. Chủ động nghiên cứu, kịp thời tham mưu, đề xuất cho tỉnh các cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn. Thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới,…/.

Huyền Trân

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN