Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hưng Yên phấn đấu nằm trong top 10 tỉnh, thành phố đạt chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Thứ Tư, 07/08/2024 16:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Năm 2024, tỉnh Hưng Yên phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đạt chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và duy trì thứ hạng này ở những năm tiếp theo.

Tại hội nghị triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) cấp địa phương năm 2024 diễn ra mới đây do Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Hưng Yên tổ chức, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KHCN tỉnh Hưng Yên cho biết, Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các cơ quan liên quan chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023.

Bộ chỉ số PII với 52 chỉ số thuộc 7 trụ cột giúp nhìn nhận, đánh giá vai trò của KHCN và ĐMST đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Bộ chỉ số PII cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN và ĐMST. Đây là tài liệu hữu ích, cung cấp căn cứ khoa học và thực tiễn để các địa phương sử dụng trong xây dựng, thực thi chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) có thể ví như công cụ “chẩn đoán sức khỏe” nền kinh tế các địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên Trần Tùng Chuẩn cho biết, theo số liệu công bố, Bộ chỉ số PII 2023 của Hưng Yên đạt 42,52 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, điểm mạnh của tỉnh với 5 chỉ số thành phần như: Tỷ lệ doanh nghiệp chứng chỉ ISO/1.000 doanh nghiệp; đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích/1.000 dân; đơn đăng ký nhãn hiệu/1.000 doanh nghiệp; đơn đăng ký thiết kế kiểu dáng công nghiệp/1.000 dân và tốc độ năng suất lao động. Tuy vậy, tỉnh cũng có 5 chỉ số thành phần còn yếu là chi phí gia nhập thị trường; chi cho nghiên cứu và phát triển/GRDP (%); cơ sở hạ tầng cơ bản; số doanh nghiệp ngành dịch vụ chuyên môn khoa học và công nghệ/1.000 doanh nghiệp và tỷ lệ các dự án đầu tư đang hoạt động trong các cụm công nghiệp/1.000 doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng, để khắc phục những chỉ số thành phần còn yếu trong Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, ngày 18/6/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 106 về "Cải thiện và nâng cao Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của tỉnh Hưng Yên" nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo của tỉnh năm 2024. Theo đó, tỉnh phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đạt chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024 và duy trì thứ hạng những năm tiếp theo.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Hưng Yên triển khai đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm đề ra giải pháp sử dụng Bộ chỉ số để xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương về chỉ số PII, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng thời triển khai nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thiết thực hiệu quả nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý.

UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương rà soát các chỉ số thành phần của Chỉ số PII thuộc lĩnh vực ngành, đơn vị, địa phương quản lý. Từ đó chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai có hiệu quả ở cấp địa phương, đơn vị đạt mục tiêu đề ra, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, tham mưu và triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số thành phần. Trong đó có ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, văn bản thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; đổi mới công nghệ; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; tài sản trí tuệ; phát triển thị trường công nghệ; hợp tác nghiên cứu giữa tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp./.

Tuấn Phong

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN