Hưng Yên đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh
(ĐCSVN) - Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu khách quan, động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã - hội, ngày 15/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số.
Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) đi vào hoạt động là mục tiêu quan trọng nhằm phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh trên tất cả lĩnh vực. |
Thực hiện Nghị quyết số 06, trong những năm qua, việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số ở tỉnh Hưng Yên được thực hiện kịp thời, tương đối đầy đủ, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên Đỗ Đình Quang cho biết, các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ với nhiều hình thức đa dạng; ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã làm thay đổi diện mạo nền hành chính, thay đổi tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó, kinh tế số ngày càng có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh; công nghệ số ngày càng phổ biến, rõ nét và giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc và học tập. Đến nay, nhiều chỉ tiêu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong chương trình đã hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, 100% số cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã sử dụng hiệu quả hệ thống mạng nội bộ, kết nối internet băng thông rộng, kết nối mạng truyền dữ liệu chuyên dùng cấp II và sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Nền tảng điều hành thông minh IOC tỉnh Hưng Yên hoạt động hiệu quả, được khai thác dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành ở nhiều lĩnh vực như: Thu chi ngân sách, xử lý thủ tục hành chính, thông tin báo chí, mạng xã hội và truyền thông, y tế, giáo dục, tình hình dân cư trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Hiện nay, dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hưng Yên cung cấp 1.789 thủ tục hành chính và 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp toàn trình để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Theo đánh giá việc thực hiện Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh Hưng Yên xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố; góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh.
Các cơ quan đã thực hiện chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, biểu mẫu, chế độ báo cáo trên môi trường mạng; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử, báo cáo điện tử được ký bằng chữ ký số theo quy định giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp và người dân; đồng bộ thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước…
Đáng chú ý, tỉnh Hưng Yên triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh phát triển công nghệ thông tin, trong đó Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) đi vào hoạt động là mục tiêu quan trọng nhằm phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh trên tất cả lĩnh vực. Trung tâm Điều hành thông minh phát huy hiệu quả và trở thành đầu mối tiếp nhận, phân phối thông tin điều hành, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, điều hành và nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính phục vụ chỉ đạo, điều hành cho lãnh đạo tỉnh. Trung tâm được ví như "bộ não số", thực hiện ba chức năng là điều hành, giám sát và hỗ trợ chỉ đạo. Trung tâm giúp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện triển khai hoạt động điều hành, điều phối xử lý các công việc thuộc thẩm quyền quản lý; hỗ trợ bởi công nghệ thông minh để ghi nhận, nhận diện các vấn đề cần quan tâm hoặc các vi phạm trong hoạt động của đời sống. Việc ứng dụng Tổng đài 1022 và App 1022 từ Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Hưng Yên đã tạo ra sự liên kết, tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước một cách công khai, minh bạch và có sự giám sát cụ thể.
Các doanh nghiệp tiếp tục cung cấp các sản phẩm chữ ký số điện tử cho người dân, doanh nghiệp để thực hiện các giao dịch điện tử đối với các lĩnh vực, ngành nghề có hình thức trực tuyến. 100% số trường học trang bị nền tảng học trực tuyến phục vụ công tác dạy và học trên môi trường mạng. 100% số cơ sở giáo dục thu phí bằng phương thức không dùng tiền mặt. 100% số bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn tỉnh triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế…
Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số đang phát huy hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; doanh nghiệp, người dân ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống; kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế.
Tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (trong đó trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hai đô thị là thành phố Hưng Yên và thị xã Mỹ Hào đạt các tiêu chí cơ bản về đô thị thông minh. Tỉnh phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Hưng Yên phấn đấu có 500 doanh nghiệp số; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang bao phủ 100% xã, phường, thị trấn và trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G; 90% người dân sử dụng điện thoại thông minh; trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử...
Để đạt mục tiêu đề ra, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, nâng cấp bảo đảm tiêu chí 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động mọi nguồn lực của các cấp, ngành nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động xây dựng phương án, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến, giao tiếp với cơ quan nhà nước qua mạng, hạn chế việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ giấy; tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, từng bước nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện chuyển đổi số tại các sở, ngành, địa phương.
Hiện Hưng Yên rà soát, hoàn thiện, tích hợp và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu hành chính nhằm đạt mục tiêu: Đến hết năm 2025, bảo đảm tỷ lệ hơn 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, hơn 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và hơn 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Hưng Yên tiếp tục hoàn thiện, phát triển Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển xã hội số./.