Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, khó lường; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn châu Phi và đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh khó khăn đó, Đảng bộ Hưng Yên luôn nhận được sự quan tâm động viên, sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành Trung ương; kế thừa và phát huy truyền thống của quê hương Hưng Yên văn hiến, cách mạng, anh hùng và thành quả của 24 năm tái lập tỉnh, cùng với sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nhiệp trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng, tích cực đổi mới sáng tạo, kiên trì vượt qua khó khăn, nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội trên các lĩnh vực.
Kinh tế phát triển nhanh, các chỉ tiêu đạt và vượt cao so với kế hoạch
Trong 5 năm qua, Hưng Yên đã tập trung lãnh đạo phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội; kinh tế duy trì phát triển nhanh với chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên. Quy mô nền kinh tế năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 100.981 tỷ đồng, bằng 1,71 lần so với năm 2015 (năm 2015 đạt 59.006 tỷ đồng).
Dây chuyền chế biến gạo chất lượng cao của Công ty cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Hưng Việt, huyện Ân Thi |
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp, xây dựng. Cơ cấu kinh tế năm 2020: Công nghiệp, xây dựng 61,5% - Dịch vụ 28,85% - Nông nghiệp 9,65%. Kết quả cập nhật dãy số liệu 5 năm 2016-2020 theo ước tính mới nhất của ngành thống kê (đánh giá lại số liệu ước thực hiện năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19), tỉnh hoàn thành đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, 1/16 chỉ tiêu cơ bản hoàn thành.
Công tác thu hút, tiếp nhận có chọn lựa các dự án đầu tư đã hướng mạnh vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN); cơ bản dừng tiếp nhận dự án sản xuất rời lẻ ở ngoài KCN, CCN. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút 816 dự án đầu tư, tăng 34,4% so với giai đoạn 2011 - 2015 (trong đó: 625 dự án trong nước với vốn đăng ký trên 61,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,5% so với giai đoạn 2011 - 2015; 191 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 2,24 tỷ USD, tăng 34,9% so với giai đoạn 2011-2015), nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 1.985 dự án (trong đó: 1.487 dự án trong nước, vốn đăng ký trên 140,7 nghìn tỷ đồng; 498 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 5 tỷ USD) với tổng số vốn đăng ký tương đương trên 11 tỷ USD (mục tiêu đạt 10 tỷ USD).
Người dân Hưng Yên thu hoạch nhãn lồng - đặc sản nổi tiếng của địa phương |
Toàn tỉnh hiện có 13 KCN được quy hoạch với quy mô 3.048 ha. Giai đoạn 2016-2020 đã thực hiện mở rộng 1 KCN và thành lập thêm 3 KCN, nâng tổng số lên 7 KCN đi vào hoạt động, với 1.779 ha đất KCN được triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng; tổng diện tích đất trong các KCN đã cho thuê đạt gần 70%. Thành lập 13 CCN với tổng diện tích 660 ha.
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng (mục tiêu 150 nghìn tỷ đồng), gấp gần 2 lần giai đoạn 2011-2015. Kết quả đầu tư hoàn thành hơn 1.000 km đường giao thông, cải tạo, xây dựng 27 trạm bơm, nâng cấp, sửa chữa trên 400 km kênh mương; hạ tầng lưới điện được quan tâm đầu tư phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp và đời sống nhân dân. Hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh. Hạ tầng đô thị phát triển về chiều sâu, cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hạ tầng dịch vụ của các đô thị, thị trấn trung tâm; có thêm 13 xã được công nhận đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 41%.
100% số xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới
Trong 5 năm qua, Hưng Yên đã xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020; cơ cấu sản xuất nông nghiệp được chuyển dịch tích cực, tăng năng suất, chất lượng; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 tăng 1,14 lần so với năm 2015. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp năm 2020: lương thực 15,5%; rau quả, cây công nghiệp 26,5%; chăn nuôi, thủy sản 58%. Tỉnh đã hoàn thành dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.
Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã tiến hành chuyển đổi 9.700 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, qua đó làm tăng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo đà phát triển mạnh nông nghiệp hàng hóa hiệu quả. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung theo mô hình VietGap. Thủy sản phát triển ổn định, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 46 nghìn tấn, tăng trên 34% so với năm 2015.
Các ngành nghề truyền thống và dịch vụ ở nông thôn phát triển khá; kinh tế hợp tác phát triển, đa dạng về hình thức và quy mô, toàn tỉnh có 320 hợp tác xã nông nghiệp, 476 tổ hợp tác, 710 mô hình kinh tế trang trại đang hoạt động. Thu hút trên 200 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn đăng ký gần 15.000 tỷ đồng, góp phần phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân. Nông dân, nhất là thanh niên nông thôn dần thích ứng với chuyển đổi lao động để tham gia trong các KCN.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm mô hình trồng hoa, cây cảnh tại Văn Giang |
Tỉnh đã thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 và đạt kết quả nổi bật, vượt trước kế hoạch đề ra; năm 2019, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2020, có 10/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh đạt nông thôn mới (đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), có 28 xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần trong nông thôn khởi sắc, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được khơi dậy và phát huy. Nông dân ngày càng khá giả, nông thôn yên bình không có vụ việc phức tạp lớn trong các khu dân cư.
Văn hóa, giáo dục được quan tâm, các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo
Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020 của tỉnh thực hiện có hiệu quả; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, hệ thống trường, lớp phát triển cân đối về quy mô, loại hình theo hướng chuẩn hóa. Chất lượng phổ cập giáo dục được nâng cao. Hằng năm, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt tỷ lệ trung bình trên 95%, học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đạt từ 33-54 giải, có học sinh đoạt giải khu vực và quốc tế; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đỗ vào các trường đại học đạt trung bình 58,8%/năm, tăng 7,2% so với trung bình giai đoạn 2011-2015.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên tuyên dương, khen thưởng giáo viên, học sinh giỏi tại Văn Miếu, Xích Đằng |
Văn hóa, thể dục - thể thao và thông tin truyền thông có nhiều tiến bộ; các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được kế thừa, phát huy; sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, cơ quan văn hóa ngày càng thiết thực và hiệu quả. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được duy trì và phát triển; thể thao thành tích cao giành được một số giải quốc gia và khu vực. Công tác báo chí, phát thanh, truyền hình được nâng cao chất lượng. Thông tin truyền thông phát triển nhanh và đồng bộ; tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử .
Khoa học và công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chú trọng thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thiết thực, hiệu quả.
Hoạt động thu gom rác, bảo vệ môi trường ở Thị xã Mỹ Hào |
Chương trình bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016-2020 thực hiện có hiệu quả. Tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra, đặc biệt đã đạt được thành công bước đầu trong phòng chống dịch COVID-19. Tuổi thọ bình quân của người dân trong toàn tỉnh đạt trên 74 tuổi.
Công tác xã hội và an sinh xã hội gắn với cơ chế, chính sách cụ thể quan tâm tới các đối tượng. Các chế độ, chính sách đối với người có công được thực hiện đồng bộ, đầy đủ, kịp thời. Các chính sách giảm nghèo được triển khai hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,8%. Tỉnh đã hoàn thành Đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công và hộ nghèo, đồng thời tích cực thực hiện chương trình quốc gia về bình đẳng giới và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng Đảng
Trong nhiệm kỳ qua, công tác tư tưởng và giáo dục lý luận chính trị được thực hiện tích cực, gắn với đây mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hằng năm đều được đưa vào tiêu chí đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, người đứng đầu các cấp, các ngành đều đăng ký ít nhất một việc làm thiết thực, có tính khả thi và và hiệu quả. Hằng năm, cấp ủy đều đánh giá, kiểm tra, giám sát, tự kiểm tra, đánh giá sơ kết việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong thời gian qua, các loại hình tuyên truyền cũng được triển khai đa dạng, thông qua thi tìm hiểu, nêu gương, biểu dương, khen thưởng, khơi dậy niềm tự hào của tỉnh được 10 lần Bác Hồ về thăm; từ đó tạo sức lan tỏa tới từng cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng hoa các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh |
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đã có trên 7 nghìn lượt học viên được cử đi đào tạo về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và gần 67 nghìn lượt học viên được bồi dưỡng theo chức danh, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng và cập nhật kiến thức mới. Đến nay, 100% cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có trình độ chuyên môn đại học trở lên, tỷ lệ trên đại học đạt trên 33%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân đạt trên 91%.
Tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được củng cố và nâng cao chất lượng. Tập trung vào việc triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã được cụ thể hóa thông qua việc nhận diện rõ 27 biểu hiện, các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, dạo dức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Xử lý nghiêm những chi bộ, cán bộ, đảng viên ra nghị quyết không đúng chủ trương, trái pháp luật, nhất là việc quản lý và sử dụng đất đai ở các thôn, qua đó tăng tính giáo dục và phòng ngừa sai phạm mới có thể xảy ra. Toàn tỉnh đã có trên 80% số thôn (khu phố) đã thực hiện chủ trương Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn (khu phố). Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, kết nạp 1.585 đảng viên/năm. Việc tổ chức đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên ngày càng rõ về tiêu chí, tiêu chuẩn, bảo đảm dân chủ, công khai, hiệu quả và thực chất hơn.
Hưng Yên hướng tới Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội XIII của Đảng |
Bên cạnh đó, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được giữ vững. Công tác bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội được tập trung chỉ đạo. Đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự, không để các tổ chức đối lập, phản động hình thành và hoạt động trên địa bàn; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu bảo vệ và các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương.
Công tác đối ngoại được triển khai toàn diện. Cải cách tư pháp được đẩy mạnh. Công tác thi hành án dân sự được thực hiện hiệu quả. Việc phố biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng. Công tác thẩm định, ban hành, kiếm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có đổi mới, chất lượng được nâng cao. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên.
Công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng. Công tác thanh tra được triển khai đồng bộ. Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc, đổi mới và đạt hiệu quả; tỷ lệ đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại đông người, vượt cấp giảm.
Với những dấu ấn đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên tin tưởng rằng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX sẽ là một dấu mốc mới để xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững./.