Hưng Yên: Cơ bản hoàn thành mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy
(ĐCSVN) - Sau gần 5 năm thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh Hưng Yên đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Các đại biểu dự hội nghị. Nguồn ảnh: Báo Hưng Yên |
Ngày 29/7, Tỉnh ủy Hưng Yên đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết số 18) và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19).
Thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy các cấp trong toàn tỉnh Hưng Yên đã chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện. Sau gần 5 năm, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Thực hiện Nghị quyết số 18, tỉnh Hưng Yên đã rà soát, thực hiện việc giảm đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện. Đến nay đã giảm được 22 phòng, ban, khoa trực thuộc. Khối chính quyền sắp xếp, kiện toàn lại 17 sở, ngành, giảm 5 chi cục trực thuộc sở và 51 phòng trực thuộc sở, ngành, chi cục. Có 6 huyện đã hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện; 4 huyện còn lại đang triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện việc sắp xếp, các đơn vị, địa phương đã rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy chế, quy định về chức năng, nhiệm vụ.
Về tinh giản biên chế, toàn tỉnh đã giảm được 421 người. Về số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách, toàn tỉnh giảm vượt kế hoạch trung ương giao (trung ương giao giảm 10%). Về hợp nhất, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, toàn tỉnh đã sáp nhập 38 thôn thành 19 thôn mới. Tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt chủ trương Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đến nay kết quả đạt tỷ lệ 93,51%. Cùng với đó tỉnh đã thực hiện việc khoán kinh phí chi phụ cấp theo định mức cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Thực hiện Nghị quyết số 19, toàn tỉnh giảm được 10,9% số đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 10,47% số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; giảm được 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015; giải thể 7 trạm y tế cấp xã nơi đã có Trung tâm Y tế cấp huyện. Việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian tới, Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ theo lộ trình đã đề ra trong các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện danh mục vị trí việc làm, bản mô tả vị trí việc làm công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị để xác định số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức từng đơn vị; qua đó, có căn cứ sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và tổ chức hoạt động của các cơ quan, đơn vị; tăng cường tự chủ, thúc đẩy xã hội hóa trong các đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế…/.