Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hưng Yên cần hình thành các vùng nông nghiệp quy mô lớn, khép kín

Thứ Bảy, 07/01/2017 15:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tỉnh Hưng Yên cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, gia trại, các loại hình kinh tế hợp tác, hình thành các vùng nông nghiệp quy mô lớn, khép kín...

 Nhãn lồng là một trong các đặc sản, thế mạnh của Hưng Yên được chú trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: V.T

Phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chiều dọc và ngang để có mối liên kết bền vững trong Vùng, là nơi cung cấp chính nguồn nông sản, thực phẩm sạch cho Thủ  đô Hà Nội và hướng tới xuất khẩu. Nhân rộng và phấn đấu có ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đạt mức thu nhập trên 500 triệu đồng/ha.

Đó là nội dung tại Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên.

Thủ tướng yêu cầu Hưng Yên quyết tâm chính trị cao trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh trạnh, phát triển mạnh doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Thu hút mạnh các dự án FDI công nghệ cao, công nghiệp bảo quản, chế biến sâu nông sản; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Phấn đấu đạt 16 nghìn doanh nghiệp vào năm 2020, tăng gấp đôi so với hiện nay.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tập trung đánh giá kỹ, làm rõ nguyên nhân, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời đối với việc trong 3 năm 2013 - 2015 chỉ số CPI của Tỉnh trong nhóm thấp nhất cả nước. Yêu cầu bộ máy lãnh đạo các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã cần nâng cao trách nhiệm, nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, tận tụy hơn nữa để xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành bộ máy hành chính, Hưng Yên cần hình thành mối quan hệ tương tác hiệu quả với doanh nghiệp để thu hút đầu tư; có cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện chỉ  đạo của lãnh đạo Tỉnh. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển du lịch, dịch vụ; rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể các điểm, loại hình, tuyến du lịch phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh, gắn du lịch tâm linh, du lịch sinh thái với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường quảng bá, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách, tạo sự liên kết trong Vùng và các trung tâm du lịch lớn của cả nước; phấn đấu đến năm 2020 tỉnh thu hút được 1,5 đến 2 triệu lượt khách du lịch.

Tỉnh cũng cần làm tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường, nhất là tại các làng nghề, khu dân cư tập trung ở nông thôn; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; chủ động phòng chống thiên tai, sạt lở; không để tiếp diễn tình trạng khai thác cát trái phép.

Về lập và triển khai Quy hoạch khu đô thị, công nghiệp cạnh đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình (diện tích khoảng 3.500 ha, qua các huyện: Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động), Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương; Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên thực hiện việc lập, phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng dọc 2 bên đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình theo thẩm quyền.

Về cơ chế sử dụng quỹ đất của các trường Đại học sau khi di dời từ nội thành Hà Nội về Khu đại học Phố Hiến và tỉnh Hưng Yên; cho phép các trường Đại học Giao thông vận tải, Đại học Bách khoa và Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam đầu tư xây dựng tại tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương đề xuất cơ chế để tạo vốn đầu tư hạ tầng phù hợp, hỗ trợ các cơ sở đào tạo di dời từ nội thành Hà Nội đến các Khu đô thị  đại học ngoại thành đã được quy hoạch, trong đó có Khu đại học Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.

Mạnh Hùng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN