Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Huấn luyện sát thực tiễn ở Học viện Hải quân

Chủ Nhật, 27/10/2024 21:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chủ động nâng cao chất lượng đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội, nhiều năm qua Học viện Hải quân đã tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện sát thực tiễn, đặc biệt là huấn luyện trong quá trình đi biển đường dài cho những học viên năm cuối.

 Giảng viên hướng dẫn học viên các phương pháp lái tàu, thực hành các khẩu lệnh lái tàu bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Cùng với Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn vượt qua gần 3.000 hải lý thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, các giảng viên của Học viện Hải quân cùng thủy thủ tàu đã huấn luyện huấn luyện nội dung đi biển đường dài và huấn luyện thuỷ nghiệp cơ bản cho học viên khoá 65.

Những ngày đầu của hải trình, biển êm, gió nhẹ. Trên boong tàu, các giảng viên Khoa Hàng hải hướng dẫn cho các học viên cách xác định thông số độ cao mặt trời bằng máy 1/6 (sextant hàng hải), áp dụng vào bài toán xác định vị trí tàu bằng mặt trời di tuyến. Thực hành đo đạc trong quá trình đi biển đã giúp cho các học viên hiểu rõ hơn bản chất bài toán và nhanh chóng hoàn thiện kỹ năng sử dụng trang bị, xác định chính xác các thông số.

Sau khi được giảng viên hướng dẫn thực hành, Thượng sĩ Trần Quyết Đạt và các học viên Lớp KH39C, Tiểu đoàn 4 đã thay nhau luyện tập, ghi chép lại các thông số đo đạc được để so sánh, đối chiếu trong giờ rút kinh nghiệm huấn luyện. Học viên Trần Quyết Đạt cho biết: “Tại Học viện, chúng tôi đã được học tập, thực hành khai thác các máy móc, trang thiết bị của chuyên ngành Hàng hải. Tuy nhiên được sử dụng các máy móc để xác định các thông số phục vụ cho quá trình điều khiển tàu đi biển thật sự như thế này giúp chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm. Từ đó, mỗi học viên sẽ tự củng cố thêm kiến thức cũng như kỹ năng để áp dụng vào nhiệm vụ sau này”.

Trong quá trình tàu đi biển, các học viên được chia thành các nhóm để thực hiện đi ca hàng hải, cơ điện, tổ chức trực canh buồng lái. Cán bộ, thủy thủ trên tàu hướng dẫn cách khai thác, sử dụng máy móc để điều khiển tàu hành trình. Các giảng viên theo dõi, hướng dẫn, ra bài tập tình huống để học viên vận dụng kiến thức đã học để giải quyết, xử lý, rèn luyện nâng cao trình độ. Vận dụng kiến thức được trang bị trên giảng đường vào quá trình điều khiển tàu hành trình là một trải nghiệm thực tế bổ ích. Chính vì vậy, các học viên rất hào hứng thực hiện nội dung này…

 Học viên Khoa Hàng hải tác nghiệp xác định vị trí tàu.

Trung tá Lã Văn Tám, Giảng viên Khoa Hàng hải chia sẻ: "Trong chuyến đi này, chúng tôi đặt mục tiêu huấn luyện các nội dung chuyên môn hàng hải sát thực tế trong quá trình đi biển, tập trung vào các nội dung: Đi ca hành trình; tác nghiệp xác định vị trí tàu bằng các phương pháp thiên văn, địa văn và vẽ cảnh đồ vị trí neo đậu. Trong quá trình đi ca, chúng tôi huấn luyện sát với tình huống, ví dụ như các tình huống tránh va đòi hỏi học viên phải phân tích đưa ra các biện pháp, phương án tránh va tốt nhất có thể”.

Trong những ngày sóng to, gió lớn, điều khiển tàu hành trình bằng buồm có nguy cơ mất an toàn rất cao, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây mất an toàn khi thao tác. Chính vì vậy, công tác bảo đảm an toàn luôn được đặt lên hàng đầu… Quá trình huấn luyện thao tác sử dụng buồm để hành trình, học viên được cán bộ, thuỷ thủ Tàu 286 thực hiện làm mẫu, sau đó chia thành các nhóm để thực hành, rèn luyện luyện các kỹ năng kéo dây, buộc dây, thao tác giương buồm, hạ buồm. Để buồm phù hợp hướng đón gió, đẩy tàu theo đúng hướng đi và đạt được tốc độ tốt nhất thì mỗi học viên phải được tích lũy kinh nghiệm chuyên môn qua nhiều tình huống. Việc huấn luyện thao tác buồm không chỉ giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm mà còn rèn luyện tính kiên trì, bền bỉ cho học viên.

Trong hải trình thực hiện đối ngoại quốc phòng kết hợp huấn luyện đi biển đường dài, các học viên còn được thực hành làm công tác chuẩn bị chiến đấu, chuẩn bị đi biển cấp tàu, ngành; đi ca lái, quan sát, nhận dạng tàu thuyền và xử lý tránh va; phương pháp tổ chức trực ca và huấn luyện chuyên môn cho ngành bảo đảm an toàn; rèn luyện sức chịu đựng sóng, gió…

Đại tá Nguyễn Đình Giảng, Phó Giám đốc Học viện Hải quân cho biết:Bám sát phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, chúng tôi đã triển khai huấn luyện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và đúng kế hoạch đề ra. Thông qua thực hành đã củng cố cho học viên nắm và hiểu sâu hơn về lý thuyết chuyên ngành như: Hàng hải, cơ điện, thông tin, ra đa, vũ khí; đặc biệt học viên đã được huấn luyện và thao tác sử dụng buồm thành thạo, hoàn thành tốt kế hoạch đề ra”.

Được thực hành chức trách, nhiệm vụ trong quá trình đi biển đường dài sẽ là những kinh nghiệm quý giúp học viên rèn luyện kỹ năng, nâng cao năng lực, trình độ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sĩ quan cấp phân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: Hoàng Triệu, Văn Tám

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN