Hợp tác phát triển năng lực đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn
(ĐCSVN) - Thỏa thuận dựa trên việc phát huy những lợi thế và kinh nghiệm của Khu Công nghệ cao trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và khai thác những thế mạnh của Siemens trong việc cung cấp các phần mềm thiết kế và phối hợp các hoạt động đào tạo thiết kế IC/PCB. Các hoạt động hợp tác sẽ được triển khai ngay từ trong năm 2024.
Ngày 27/02, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) và Công ty Siemens Electronic Design Automation (Siemens) ký kết hợp tác phát triển năng lực đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy và Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan chứng kiến lễ ký kết. (Ảnh: CM) |
Thỏa thuận dựa trên việc phát huy những lợi thế và kinh nghiệm của Khu Công nghệ cao trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và khai thác những thế mạnh của Siemens trong việc cung cấp các phần mềm thiết kế và phối hợp các hoạt động đào tạo thiết kế IC/PCB. Các hoạt động hợp tác sẽ được triển khai ngay từ trong năm 2024.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy ghi nhận đóng góp Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia, các doanh nghiệp, các đối tác đóng trên địa bàn Khu nghệ cao TP.Hồ Chí Minh trong buổi ký kết hợp tác để phát triển hệ sinh thái về bán dẫn vi mạch tại Khu nghệ cao TP. Hồ Chí Minh nói riêng cũng như hệ sinh phát triển bán dẫn vi mạch tại Việt Nam.
Theo ông Bùi Thế Duy, thực hiện chủ trương phát triển các khu nghệ cao của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, UBND TP. Hồ Chí Minh đã quan tâm đầu tư phát triển công nghệ cao. Khu Công nghệ cao không chỉ là nơi tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới cũng như doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất sản phẩm công nghệ cao, mà còn đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho TP. Hồ Chí Minh. Mục tiêu lớn nhất của Khu Công nghệ cao là tạo ra hạt nhân công nghệ, tạo ra tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho TP. Hồ Chí Minh cũng như cho toàn bộ khu vực Đông Nam bộ.
Ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Trong những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đã tham mưu Quốc hội ban hành luật công nghệ cao, các hành lang pháp lý phát triển khu công nghệ cao. Gần đây nhất, Chính phủ vừa ký, ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 10 năm 2024 sửa đổi Nghị định 99 về khu công nghệ cao để tạo ra hành lang pháp lý về thành lập, mở rộng, đưa ra các chính sách yêu đãi phát triển công nghệ cao. Và đặc biệt nhấn mạnh đến các chính sách một cửa tạo thuận lợi nhất tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu nghệ cao cũng như các chính sách yêu đãi về hỗ trợ thuế, hạ tầng, nhân lực, thủ tục đối với người lao động… Đồng thời tin tưởng rằng, trong vòng một vài năm tới Khu Công nghệ cao TP sẽ tạo ra nguồn nhân lực mạnh cũng như hệ sinh thái các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp thiết kế của các nước trên thế giới cũng như của Việt Nam xoay quanh các tập đoàn sản xuất và thiết kế chíp Việt Nam. Đồng thời cũng tin rằng trong thời gian tới TP. Hồ Chí Minh với chính sách đặc thù, với Nghị quyết của Quốc Hội sẽ có những bước đột phá về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo ra làn gió mới phát triển kinh tế, xã hội của TP. Hồ Chí Minh một cách bền vững hơn nữa, góp phần vào xây dựng hệ thống đổi mới đổi mới sáng tạo quốc gia cho Việt Nam.
Đại biểu tham quan Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (ESC). (Ảnh: CM) |
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, TP. Hồ Chí Minh có môi trường thuận lợi để triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và thúc đẩy phát triển. TP. Hồ Chí Minh có hơn 50 trường đại học, cả triệu sinh viên và cả chục ngàn kỹ sư và công nhân công nghệ cao. TP có hạ tầng hoàn chỉnh, khu công nghệ cao đã được hình thành và phát triển hơn 20 năm . TP có cả cả cộng đồng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cả cộng đồng vi mạch bán dẫn, chíp điện tử phát triển mạnh mẽ. Nơi đây, có điều kiện và môi trường thuận lợi để đầu tư và phát triển.
Theo ông Võ Văn Hoan, hiện nay TP đang chuyển mình, thay đổi tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất của TP chuyển sang công nghiệp ứng dụng cao. Đưa công nghệ cao TP sau 20 năm hình thành và phát triển sang tầm cao mới, chuyển hướng sang nghiên cứu phát triển thành công viên khoa học công nghệ và thu hút ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch. TP sẵn sàng bố trí thêm gần 1000 hec ta và định hướng khu công nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Nhân lực ngành vi mạch bán dẫn được xác định là yếu tố then chốt đảm bảo cho sự thành công của chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn quốc gia. Trong thời gian qua, Khu Công nghệ cao đã tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm củng cố cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, qua đó nâng cao sức mạnh nội sinh của hệ sinh thái vi mạch bán dẫn tại Khu Công nghệ cao - PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Phát biểu tại sự kiện Bà Nina Lin - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Khu vực Asean và Đài Loan (Trung Quốc) của Siemens EDA chia sẻ cho biết, chúng ta đang sống trong thời đại mà công nghệ điện tử thay đổi nhanh chóng hơn bao giờ hết, thời đại mà kiến thức đến các hoạt động thương mại và truyền thông trên toàn thế giới có thể được tiếp cận rộng rãi trong lòng bàn tay. Tốc độ chuyển đổi số này sẽ còn tăng nhanh hơn nữa khi nhiều công ty kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML) vào hệ thống của họ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi , thậm chí kiếm tiền từ lượng dữ liệu ngày càng tăng theo cấp số nhân được tạo ra bởi “mọi thứ kỹ thuật số”.
Trong khuôn khổ lễ ký kết hợp tác, đoàn đã tham quan Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (ESC) - mô hình hợp tác giữa SHTP Training thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu (một trong những đơn vị tiên phong đào tạo điện tử và vi mạch bán dẫn).
Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 2002, với quy mô 913ha có mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực. Đến nay, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh có hơn 162 dự án đầu tư còn hiệu lực, bao gồm dự án của các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức nghiên cứu và công ty khởi nghiệp. Với mục tiêu trở thành Khu Công nghệ cao TP sẽ trở thành Khu công viên khoa học công nghệ chuẩn mực quốc tế vào năm 2030 và đến năm 2045, trở thành Khu đô thị khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của vùng Đông Nam Bộ và cả nước; xây dựng và phát triển những ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược cho quốc gia, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cam kết thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển nhân tài và hợp tác giữa giới học thuật và ngành công nghiệp để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Siemens Electronics Design Automation là công ty hàng đầu thế giới với bộ giải pháp công nghệ toàn diện từ thiết đến sản xuất các sản phẩm điện tử bán dẫn. Để giúp khách hàng trong lĩnh vực điện tử bán dẫn có sự đổi mới và cải tiến đột phá với những sản phẩm làm thay đổi cuộc sống và dẫn đầu thị trường trong thời đại mà tốc độ chuyển đổi số không ngừng tăng tốc, Siemens cam kết cung cấp bộ giải pháp toàn diện nhất thế giới bao gồm phần mềm, phần cứng và dịch vụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA). |