Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hợp tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ Bảy, 02/03/2024 21:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN và Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất ký kết Chương trình phối hợp công tác về tăng cường hợp tác trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thí điểm, thử nghiệm một số cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024 - 2028.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Chương trình phối hợp công tác. Ảnh: TL 

Chiều ngày 02/3, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp công tác về tăng cường hợp tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024 - 2028.

Mạnh dạn thí điểm chính sách đặc thù trong quản lý hoạt động KHCN&ĐMST

Thay mặt Ban cán sự đảng Bộ KH&CN, đồng chí Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết: Những năm qua, vai trò của KHCN&ĐMST đã nhiều lần được khẳng định trong các Văn kiện Đại hội của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước với những tiềm năng, lợi thế vượt trội. Đây cũng là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước về phát triển kinh tế, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, KHCN&ĐMST. Hơn lúc nào hết chúng ta có đầy đủ những căn cứ pháp lý thuận lợi để Bộ KH&CN và Thành phố Hồ Chí Minh mạnh dạn thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý hoạt động KHCN&ĐMST, góp phần trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nhanh và bền vững nói riêng, vùng Đông Nam Bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, cả nước nói chung.

Đồng chí Lê Xuân Định cũng cho biết, tháng 10/2022, Bộ KH&CN, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa 3 bên. Qua hơn 01 năm triển khai thực hiện ký kết, Chương trình đã có được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật nhất là sự đồng thuận trong công tác phối hợp, chỉ đạo của Lãnh đạo Thành phố và Lãnh đạo Bộ KH&CN trong việc xác định lĩnh vực hoạt động KHCN&ĐMST là 1 trong 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù vào Nghị quyết số 98/2023/QH13 của Quốc hội. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của ngành KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh để chứng minh năng lực, trách nhiệm của mình trước Lãnh đạo Thành phố, Lãnh đạo Bộ KH&CN và sự quan tâm, ủng hộ của các sở, ban, ngành, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với các ngành.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TL 

Tạo ra nhiều thành quả KH&CN thiết thực phát triển đất nước

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: KKH&CN vốn là lĩnh vực khó quản lý, nhưng không có nghĩa là không có cách giải quyết. “Thay vì né tránh chúng ta hãy xem đó là cơ hội, là động lực để thay đổi vì những điều tốt đẹp hơn. Do vậy, Bộ KH&CN đánh giá Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội không chỉ là cơ hội cho Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là cho ngành KH&CN để thử nghiệm các chính sách của Bộ, của ngành”, Bộ trưởng cho hay.

Theo Bộ trưởng, tập thể Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ KH&CN sẽ tích cực, chủ động tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đề xuất thực tiễn của Thành phố, sẵn sàng phân cấp, phân quyền khi đáp ứng đủ điều kiện cần có, từ đó động viên đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê khoa học, vượt lên các khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả khoa học và công nghệ thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại.

Theo đó, hai bên sẽ nghiên cứu xây dựng và thí điểm áp dụng một số mô hình, cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐTST như: Áp dụng chính sách thu hút, trọng dụng người tài thông qua ưu đãi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH&CN công lập; ưu đãi về thù lao thực hiện nhiệm vụ KH&CN; hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động KH&CN tại Thành phố; Áp dụng thí điểm chính sách đặc thù của Thành phố về cơ chế tuyển chọn chương trình, dự án KH&CN; cơ chế tài chính các chương trình, dự án KH&CN cho công tác lập dự toán, phê duyệt dự toán, quyết toán, mua sắm công đối với các lĩnh vực ưu tiên; Xây dựng đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh; Xây dựng và áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới dựa trên thành tựu KHCN&ĐMST hiện nay chưa có quy định; Xây dựng và triển khai mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo Thành phố theo thông lệ quốc tế…/.  

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN