Họp báo chương trình Kỷ niệm 185 năm thành lập, 20 năm tái lập tỉnh Hưng Yên
(ĐCSVN) – Sáng 1/12, tại Hưng Yên, Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Họp báo Kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 20 năm tái lập tỉnh Hưng Yên.
Khái quát quá trình 185 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh, đồng chí Trần Đăng Tuấn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lich tỉnh cho biết: Tỉnh Hưng Yên được thành lập vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831). Lần đầu tiên trong lịch sử, tên tỉnh Hưng Yên xuất hiện. Đó là một sự kiện quan trọng, một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử tỉnh Hưng Yên.
Sau nhiều lần điều chỉnh về địa giới hành chính, hiện nay, Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm các huyện: Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu, An Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và TP. Hưng Yên; 162 xã, phường, thị trấn, với diện tích khoảng 930 km2, dân số gần 1,2 triệu người.
Hưng Yên là mảnh đất có truyền thống văn hiến, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các nhà văn hóa lớn. Đặc biệt, trong lịch sử hiện đại, Hưng Yên có nhiều nhà chính trị nổi tiếng và nhiều chiến sĩ anh hùng cách mạng...
Họp báo chương trình kỷ niệm 185 năm thành lập, 20 năm tái lập tỉnh Hưng Yên. (Ảnh:TH).
Trải qua 75 năm thành lập và phát triển, với 18 kỳ tổ chức đại hội, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đến nay đã có bước lớn mạnh và trưởng thành. Toàn Đảng bộ hiện có 14 đảng bộ trực thuộc, 601 tổ chức cơ sở đảng và gần 6,5 vạn đảng viên. 75 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng bộ tỉnh luôn phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân; tập trung trí tuệ lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước.
Sau gần 20 năm tái lập (1997 - 2017), kinh tế - xã hội của Hưng Yên đã phát triển tương đối đồng bộ; kinh tế hàng năm đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước, bình quân đạt 10,85%/năm, trong đó nông nghiệp, thủy sản đạt 3,2%, công nghiệp và xây dựng đạt 18,7%, dịch vụ đạt 13%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 89 lần. Tổng thu ngân sách năm 2016 đạt 9.009 tỷ đồng (trong đó thu nội địa 6.300 tỷ đồng), tăng gần 100 lần so với khi tái lập tỉnh (năm 1997 thu 91 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần so với khi tái lập tỉnh (năm 2016 đạt 44,5 triệu đồng/người). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp, xây dựng tăng mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, chuyển đổi mạnh sang hướng hàng hoá chất lượng cao và giá trị kinh tế cao, sản xuất lúa liên tục được mùa, chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hoá tập thể, nhiều sản phẩm đã tăng mạnh về sản lượng và được thị trường ưa chuộng như: Nhãn lồng, vải lai, chuối tiêu hồng, quýt đường canh, quất cảnh, gà Đông Tảo, tương Bần...
Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng và từng bước đa dạng các loại hình. Công tác xây dựng chính quyền luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức được đẩy mạnh; 100% số cơ quan chuyên môn cấp xã và cấp huyện, 94,11% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh triển khai thực hiện cơ chế "một cửa".
Để kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 20 năm tái lập tỉnh, nhiều hoạt động thiết thực sẽ được diễn ra trong tháng 12 như: Triển lãm thành tựu kinh tế, văn hóa – xã hội kết hợp với triển lãm sinh vật cảnh; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Một điểm nhấn quan trọng của Lễ kỷ niệm là hoạt động giao lưu nhân chứng lịch sử tại di tích lịch sử Cây đa và đền La Tiến (Phù Cừ) (tối 10/11), được truyền hình trực tiếp trên Kênh truyền hình VTV1, VOV…
Lễ kỷ niệm dự kiến được tổ chức vào ngày 11/12 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên.
Đồng chí Trần Thị Thanh Thủy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng Tiểu Ban tổ chức Kỷ niệm đợt 2 nhấn mạnh: Việc tổ chức Kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 20 năm tái lập tỉnh Hưng Yên nhằm tuyên truyền, giáo dục và khơi dậy niềm tự hào về lịch sử truyền thống văn hiến cách mạng của quê hương Hưng Yên và của Đảng bộ tỉnh; thông qua đó cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống, tích cực thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020. Đồng thời, tiếp tục khẳng định những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đạt được, nhất là từ khi tái lập tỉnh và từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đến nay; giới thiệu, quảng bá hình ảnh tỉnh Hưng Yên nhằm tiếp tục thu hút đầu tư, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Hưng Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tại buổi Họp báo, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên đã tập trung trao đổi với các cơ quan báo chí làm rõ hơn bề dày truyền thống lịch sử, văn hiến; những thành tựu nổi bật của Hưng Yên từ khi thành lập tỉnh và sau 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh; sự “thay da đổi thịt” sau 20 năm tái lập tỉnh; đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường, phối hợp chọn hình thức tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả nhằm cổ vũ, phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hưng Yên trong 185 năm qua…