Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hơn 8.400 vụ trẻ em bị xâm hại mới chỉ là "phần nổi của tảng băng"

Thứ Hai, 27/04/2020 14:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: TTXVN)

Sáng 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019.

Số liệu chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế

Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Nhiều địa phương, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90% như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Nai...

Qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em; đồng thời công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế.

Ngoài các hình thức trẻ em bị xâm hại nêu trên, theo Báo cáo của Chính phủ, còn 790.518 trẻ em lao động trái pháp luật; 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ 15 tuổi tảo hôn. Qua khảo sát tại địa phương cho thấy, hầu hết trẻ em phải tham gia lao động sớm đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; mục đích tham gia lao động để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, được gia đình đồng thuận; chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc đưa các em trở về nhà; việc xử lý hành vi môi giới, sử dụng, bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật chưa nghiêm; do đó, tình trạng này chưa được ngăn chặn hiệu quả. Đối với các trường hợp tảo hôn chủ yếu ở một số vùng dân tộc thiểu số nơi nhiều người dân vẫn còn tập tục lạc hậu, nhận thức pháp luật còn hạn chế, cần phải có lộ trình và nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục.

Đoàn giám sát cho rằng, mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, internet, mạng xã hội;  việc di dân tự do; sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội trong một bộ phận người dân; tình trạng lạm dụng rượu, bia, chất kích thích mạnh khác chưa được ngăn chặn hiệu quả; cùng với đó, còn số lượng lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có cha mẹ ly hôn, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn với trẻ. Trong bối cảnh đó, Đoàn giám sát dự báo: Tình hình trẻ em bị xâm hại thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng.

Trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt chiếm tỷ lệ cao

Đoàn giám sát chỉ ra, gia đình vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em, song vừa qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình. Nhiều địa phương, trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích chiếm tỷ lệ cao như: Hà Tĩnh 67,6%, Hà Nội 51,9%, Bà Rịa Vũng Tàu 33%... Theo thống kê của Tổng đài 111 (trong tổng số các cuộc gọi đến), số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.

Trong nhà trường xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em. Trong đó có những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, có vụ gây bức xúc trong xã hội do giáo viên sử dụng các biện pháp bạo hành đi ngược lại với đạo đức nhà giáo; có những vụ nhiều học sinh đánh một học sinh. Đáng lưu ý, một số vụ thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục học sinh, có những vụ diễn ra trong thời gian dài, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, những gì phát hiện, xử lý qua số liệu chỉ mới là "phần nổi của tảng băng" chứ chưa thể phản ánh hết thực trạng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét: "Tôi thấy công tác bảo vệ trẻ em của chúng ta chưa tốt. Khi phát hiện xử lý kịp thời là đúng rồi, nhưng quan trọng là bảo vệ trẻ em để tình trạng xâm hại không xảy ra nữa. Thực tế, có những vụ trẻ em bị bạo lực, kêu khóc hàng ngày mà chính quyền không biết, nhà trường không biết…". Do đó, ông đề nghị phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị phải đánh giá thêm về công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng, nhất là vai trò chính quyền cơ sở. Bởi, thực tế nhiều vụ việc chỉ được phát hiện xử lý khi báo chí phản ánh, khi có hậu quả xảy ra hay tố cáo. Khi đó chính quyền, cơ quan chức năng mới biết. Do đó, ông đề nghị báo cáo cần kiến nghị rõ hơn về trách nhiệm các ngành, các cấp, nhất người đứng đầu trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đánh giá, hiện tại hiệu quả công tác tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu. "Kết quả điều tra xã hội học với gần 9.000 người cho thấy: 9,8% người lớn trả lời không biết có Luật Trẻ em; 44,6% người lớn trả lời có nghe về Luật Trẻ em nhưng không biết rõ nội dung của Luật; 47% trẻ em sống trong cùng gia đình trả lời không biết chính xác quy định về độ tuổi trẻ em trong Luật", ông dẫn lại số liệu trong báo cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Không biết luật vậy sao thực hiện đúng luật! Không nắm rõ quy định thì vi phạm luật, thực hiện không đúng là tất yếu”, đồng thời đề nghị phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em./.

Minh Thư

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN