Hơn 2.300 tỷ đồng tái cơ cấu ngành nông nghiệp An Giang
Ngày 18/1, UBND tỉnh An Giang tổ chức công bố đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu.
Ảnh: An Hiếu/TTXVN
Theo đề án, tổng nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 2015 - 2020 trên 2.319 tỷ đồng, bao gồm: vốn từ ngân sách tỉnh trên 14,7 tỷ đồng; vốn của doanh nghiệp trong và ngoài nước, vốn xã hội hóa từ người dân, vốn từ các tổ chức tín dụng là 207,3 tỷ đồng; vốn từ Trung ương (bao gồm các dự án ODA) là 1.966 tỷ đồng.
Tỉnh An Giang sẽ huy động nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và vốn hỗ trợ đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thông qua nguồn vốn được ký kết giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang với Ban Điều hành chương trình phát triển công nghệ cao của tỉnh.
Với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu, tỉnh An Giang đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp là 3,35%/năm đến năm 2020.
Theo đó, các ngành hàng tập trung tái cơ cấu nội ngành gồm ngành hàng lúa gạo; trong đó, tập trung xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao trên diện tích 80.000 ha. Ngành hàng rau màu sẽ xây dựng vùng chuyên canh rau màu diện tích 26.000 ha vào năm 2020, cung ứng rau, màu cho các tỉnh phía Nam và xuất khẩu. Ngành hàng cá tra với quy hoạch đạt 1.430 ha mặt nước, trên cơ sở xây dựng vùng chuyên canh nuôi cá tra có liên kết tiêu thụ sản phẩm, gắn với việc nâng chất lượng cá tra giống.
Các ngành hàng tiềm năng như chăn nuôi bò, tỉnh thực hiện theo yêu cầu đảm bảo về con giống, thức ăn chăn nuôi và xây dựng phương thức sản xuất mới là chuyển dần từ hình thức nuôi nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, hướng hình thành doanh nghiệp nuôi bò vừa và nhỏ. Tỉnh phấn đấu đạt tổng đàn bò trên 200.000 con vào năm 2020, tương ứng tốc độ tăng trưởng bình quân là 10%/năm; trong đó, đàn bò lai đạt mức 85% tổng đàn, gắn liền với xây dựng thương hiệu thịt bò của tỉnh An Giang.
Đối với ngành hàng nấm ăn, nấm dược liệu sẽ thực hiện cải thiện công nghệ sản xuất, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nấm của tỉnh. Còn các ngành hàng khác, trong điều kiện thực tế của tỉnh An Giang, hàng năm tỉnh sẽ cập nhật, điều chỉnh, và bổ sung bất cứ ngành hàng nào có điều kiện sản xuất phù hợp, hiệu quả và đặc biệt là phải có thị trường đầu ra tốt và ổn định.
Để phục vụ cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản, tỉnh An Giang sẽ thực hiện các giải pháp cụ thể về quy hoạch gắn với nhu cầu thị trường. Đối với từng ngành hàng cụ thể như lúa, gạo, cá tra, rau màu, nuôi bò, trồng nấm ăn, nấm dược liệu, với vùng sản xuất và sản xuất theo hướng liên kết đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện nhanh đời sống người sản xuất nông nghiệp. Giải pháp về khoa học công nghệ được tập trung đẩy mạnh bao gồm cải thiện về giống lúa, màu, giống bò lai, đến khâu thu hoạch chế biến, bảo quản.
Tỉnh cũng chú trọng giải pháp tổ chức lại sản xuất, xác định rõ các loại đất để sản xuất cây trồng hiệu quả cao, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất. Tỉnh An Giang cũng thực hiện mạnh mẽ giải pháp khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với các chính sách thu hút đầu tư và ưu đãi đầu tư cụ thể, rõ ràng, giúp nhà đầu tư an tâm sản xuất./.
Vương Thoại Trung/TTXVN