Hơn 139 triệu người bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu và COVID-19
(ĐCSVN) - Kể từ đầu đại dịch COVID-19, các thảm họa liên quan đến khí hậu đã ảnh hưởng đến cuộc sống của ít nhất 139,2 triệu người và làm chết hơn 17.242 người. Đây là số liệu của báo cáo mới được công bố bởi Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) và Trung tâm Khí hậu Chữ thập đỏ Trăng lưỡi liềm đỏ, về tác động tổng hợp của các hiện tượng thời tiết cực đoan và COVID-19.
Người dân lấy nước sinh hoạt tại một hồ chứa gần khô cạn cạnh sông Euphrates ở tỉnh Raqqa, miền Đông Syria ngày 27/7/2021. (Ảnh minh họa: AFP) |
Ước tính có khoảng 658,1 triệu người dễ bị tổn thương đã phải trải qua nhiệt độ khắc nghiệt. Thông qua dữ liệu mới và các nghiên cứu điển hình cụ thể, báo cáo cho thấy mọi người trên khắp thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng và phải đối phó với các nguy cơ đan xen như thế nào. Báo cáo cũng nhấn mạnh nhu cầu giải quyết đồng thời cả hai cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến sinh kế của người dân trên toàn thế giới và khiến các cộng đồng dễ bị tổn thương hơn trước các rủi ro khí hậu.
Chủ tịch IFRC, Francesco Rocca, người trình bày báo cáo cho biết: “Thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có khi mà biến đổi khí hậu và COVID-19 đang đẩy các cộng đồng đến giới hạn của họ. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động ngay lập tức không chỉ để giảm phát thải khí nhà kính mà còn giải quyết các tác động nhân đạo đang tồn tại và sắp xảy ra của biến đổi khí hậu”.
Báo cáo được đưa ra một năm sau một báo cáo phân tích ban đầu về những rủi ro đan xen của các hiện tượng thời tiết cực đoan đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Đại dịch tiếp tục tàn phá, tác động trực tiếp đến sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới, nhưng cũng gây ra những tác động gián tiếp to lớn, một phần do các biện pháp ứng phó được thực hiện để ngăn chặn đại dịch. Tình trạng mất an ninh lương thực do thời tiết khắc nghiệt đã trở nên trầm trọng hơn bởi COVID-19. Các hệ thống y tế bị đẩy đến giới hạn của chúng và những người dễ bị tổn thương nhất là đối tượng chịu nhiều cú sốc đan xen nhất.
Ở Afghanistan, tác động của hạn hán cực đoan diễn ra trầm trọng hơn bởi xung đột và COVID-19. Hạn hán đã làm tê liệt sản xuất lương thực và giảm đàn gia súc, khiến hàng triệu người bị đói và suy dinh dưỡng. Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Afghanistan đã tăng cường cứu trợ, bao gồm hỗ trợ lương thực và tiền mặt để người dân mua lương thực thực phẩm, trồng cây lương thực chịu hạn và bảo vệ gia súc của họ.
Ở Honduras, ứng phó với các cơn bão Eta và Iota trong đại dịch, cũng đồng nghĩa với việc đối phó với những thách thức bổ sung. Hàng nghìn người trở thành người vô gia cư trong những nơi trú ẩn tạm thời. Các biện pháp chống COVID-19 trong những nơi trú ẩn đó đòi hỏi phải có khoảng cách và các biện pháp bảo vệ khác.
Ở Kenya, tác động của COVID-19 diễn ra cùng với lũ lụt và hạn hán tiếp nối nhau, cũng như sự phá hoại của nạn châu chấu. Hơn 2,1 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở các khu vực nông thôn và thành thị. Ở Kenya và trên khắp Đông Phi, các hạn chế trong đại dịch COVID-19 đã khiến cho việc phản ứng với lũ lụt và việc tiếp cận với các nhóm dân cư bị ảnh hưởng trở nên chậm chạp, làm gia tăng mức độ dễ bị tổn thương của họ.
Các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ trên toàn cầu không chỉ ứng phó với những cuộc khủng hoảng đan xen đó mà còn giúp cộng đồng chuẩn bị và lường trước các rủi ro khí hậu.
Ví dụ: ở Bangladesh, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ đã sử dụng quỹ do IFRC phân bổ cho hành động phòng ngừa để phổ biến các Thông điệp Cảnh báo sớm liên quan đến lũ lụt thông qua loa phát thanh ở các khu vực dễ bị tổn thương để mọi người có thể thực hiện các biện pháp cần thiết hoặc sơ tán nếu cần thiết.
Julie Arrighi, phó giám đốc Trung tâm Khí hậu RCRC cho biết: “Không nên để các mối nguy hiểm biến thành thảm họa. Chúng ta có thể chống lại xu hướng gia tăng rủi ro và cứu được nhiều mạng sống nếu chúng ta thay đổi cách chúng ta dự đoán các cuộc khủng hoảng, tài trợ cho hành động sớm và giảm thiểu rủi ro ở cấp địa phương. Cuối cùng, chúng ta cần giúp các cộng đồng trở nên kiên cường hơn, đặc biệt là trong những bối cảnh dễ bị tổn thương nhất ”.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động lâu dài đến các rủi ro khí hậu. Các chính phủ cần cam kết đầu tư nhằm tăng cường sự thích ứng của cộng đồng, nâng cấp các hệ thống dự báo và các tác nhân địa phương.
“Khoản chi lớn cho phục hồi hậu COVID-19 chứng tỏ rằng các chính phủ có thể hành động nhanh chóng và quyết liệt khi đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu. Đã đến lúc biến lời nói thành hành động và cống hiến sức mình cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Hàng ngày, chúng ta đang chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu do con người tạo ra. Cuộc khủng hoảng khí hậu đang tồn tại ở đây và chúng ta cần phải hành động ngay" - Phó giám đốc Trung tâm Khí hậu RCRC nêu rõ./.