Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hội thi “Dân vận khéo” tuyên truyền xóa bỏ hủ tục trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang

Thứ Sáu, 13/10/2023 18:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Việc tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang năm 2023 là hoạt động cụ thể, thiết thực trong công tác dân vận của Đảng; đồng thời cũng là nhiệm vụ đang được BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn trao Cờ lưu niệm cho các đội thi. (Ảnh: Phi Anh) 

150 thí sinh xuất sắc đến từ các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tỉnh Hà Giang đã tham dự Hội thi “Dân vận khéo” tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang năm 2023 do Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức.

Diễn ra trong hai ngày 13-14/10, Hội thi nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân các dân tộc trong triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây cũng là dịp để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức rèn luyện kỹ năng tuyên truyền vận động, xử lý các tình huống dân vận ở cơ sở, đặc biệt là kỹ năng thực hiện công tác dân vận khéo trong xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu.

Phát biểu khai mạc Hội thi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn nêu rõ: Trong những năm qua, công tác dân vận luôn được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đã đạt được những kết quả nổi bật. Các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm công tác dân vận của tỉnh thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đổi mới theo hướng sát cơ sở, thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thực lòng quan tâm chăm lo lợi ích và đời sống của nhân dân, gắn việc làm tốt công tác dân vận với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, phấn đấu nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua Dân vận khéo đã có sự gắn kết chặt chẽ, tạo sự lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội. Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã xây dựng và thực hiện hiệu quả trên 1.670 mô hình, điển hình Dân vận khéo, qua đó góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tăng cường niềm tin của nhân dân, các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng và sự điều hành của chính quyền các cấp.

Màn thi chào hỏi của Đội thành phố Hà Giang. (Ảnh: Phi Anh) 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thào Hồng Sơn nhấn mạnh: Việc tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang năm 2023 là một hoạt động cụ thể, thiết thực trong công tác dân vận của Đảng. Đồng thời, cũng là nhiệm vụ đang được BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả.

Đây cũng là hoạt động nhằm cụ thể hóa việc đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh; là cơ hội để các đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên, công chức viên chức được trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm trong công tác dân vận của Đảng, góp phần đổi mới nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới.

Qua Hội thi, sẽ phát hiện những cách làm hay, sáng tạo, khả năng xử lý tình huống trong công tác dân vận, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, từ đó lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực để tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình trong công tác xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Với ba phần thi gồm: Chào hỏi, Kiến thức và Xử lý tình huống thực tiễn thông qua các tiểu phẩm, những nội dung được các đội thi thể hiện sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả  hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác  dân vận, vận động quần chúng; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thào Hồng Sơn yêu cầu các địa phương, đơn vị dự thi cũng như mỗi thí sinh tiếp tục vận dụng những tri thức, những hiểu biết, kỹ năng của mình để thực hiện tốt hơn nữa vai trò là người đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; nhất là thực hiện công tác “Dân vận khéo” trong xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; góp phần tạo sự đồng thuận, cổ vũ, khích lệ nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Đảng, chính quyền các cấp ngày càng vững mạnh./.

Ngọc Khang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN