Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hội thảo sửa đổi Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Thứ Tư, 14/09/2016 21:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 14/9, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/Việt Nam GIG) tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến các hội thành viên và chuyên gia trong nước về Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN)  đã được Quốc hội Khóa XII thông qua ngày 18/6/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010. Sau gần 6 năm thi hành, đạo luật này đã bộc lộ những hạn chế cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: TH).

ThS. Nguyễn Thị Tố Hằng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp cho biết: Căn cứ vào mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Luật TNBTCNN (sửa đổi) và kết quả của hoạt động tổng kết 6 năm thi hành Luật TNBTCNN, phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN lần này được xác định là cơ bản, toàn diện. Dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi) có 9 Chương, 84 điều, (so với Luật TNBTCNN năm 2009, dự thảo Luật đã sửa đổi 47/67 điều, bỏ 20 điều và quy định mới 37 điều). Dự thảo Luật này sẽ được trình Quốc hội Khóa XIV cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016) tới.

So với Luật TNBTCNN 2009, dự thảo Luật bổ sung quy định về quyền yêu cầu bồi thường của: người thừa kế của người bị thiệt hại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại; người ủy quyền của người bị thiệt hại, người thừa kế, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại.

Dự thảo Luật quy định về cơ quan giải quyết bồi thường, trong đó, một số trường hợp thì cơ quan gây thiệt hại là cơ quan giải quyết bồi thường, còn lại, cơ quan giải quyết bồi thường sẽ là cơ quan cấp trên một cấp của cơ quan gây thiệt hại.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật bổ sung quy định tạm ứng kinh phí bồi thường (Điều 50). Theo đó khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, theo đề nghị của người yêu cầu bồi thường, ngay sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, người giải quyết bồi thường xác định một khoản tiền cho các thiệt hại có thể tính được ngay và có trách nhiệm đề xuất Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền đó cho người yêu cầu bồi thường.

So với Luật TNBTCNN năm 2009, dự thảo Luật TNBTCNN hiện nay đã mở rộng trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ, theo đó trong mọi trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đều phải chịu trách nhiệm hoàn trả (khoản 2, Điều 56 Luật TNBTCNN năm 2009 quy định người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự không phải chịu trách nhiệm hoàn trả).

Song, theo TS. Trần Văn Quảng, Hội luật gia Việt Nam, để đánh giá chặt chẽ, khách quan, toàn diện hơn, làm căn cứ để xác định mức hoàn trả của người thi hành công vụ, đề nghị nghiên cứu, bổ sung căn cứ xác định mức hoàn trả bao gồm: Thiệt hại do Nhà nước phải bồi thường; Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ (không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng quy định của pháp luật), mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ đối với thiệt hại xảy ra (trực tiếp, gián tiếp); Lỗi, động cơ, mục đích của người thi hành công vụ.

Đồng quan điểm, TS. Lê Hồng Sơn - Chuyên gia tại Bộ Tư pháp, Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng, với dự thảo Luật, phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sẽ được mở ra tối đa, bao quát hết tất cả các ngành, lĩnh vực, các cấp. Theo phương án này thì hễ ở đâu cán bộ, công chức khi thi hành công vụ có hành vi sai trái gây ra thiệt hại cho tổ chức, công dân thì nhà nước đều phải có trách nhiệm đứng ra bồi thường. Phương án này mang tính cách mạng triệt để, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân được bảo đảm một cách tối đa theo đúng Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Sơn, xét trên thực tế phương án này sẽ khó khả thi vì số lượng vụ việc yêu cầu bồi thường sẽ gia tăng đột biến, điều kiện tài chính, ngân sách của Nhà nước khó bảo đảm, gây sức ép lớn đối với tâm lý khi thi hành công vụ của cán bộ, công chức. Đồng thời với các đề xuất nêu trên, gắn chặt với trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong dự án Luật này cần phải tăng mức bồi hoàn, tăng trách nhiệm của cá nhân cán bộ, công chức đã có hành vi sai phạm buộc Nhà nước phải đứng ra bồi thường…/.

Thu Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN