Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hội thảo khoa học "Vấn đề bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay"

Thứ Tư, 18/10/2017 22:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chiều 18/10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Vấn đề bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay”. PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.

Các đại biểu tham gia tham luận tại hội thảo - ảnh: HM

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS,TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh, thời gian qua: Đảng, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường đầu tư nguồn lực cho các chương trình và bộ máy hoạt động về bình đẳng giới nói chung, thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Bình đẳng giới đã được phản ánh trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật, đặc biệt là trong Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới và công tác dân tộc, thực hiện bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số đã đạt được những thành tựu quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như: bình đẳng về kinh tế, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở vùng dân tộc thiểu số. Điều đó được minh chứng rõ khi Liên Hợp quốc đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ nói chung và thực hiện bình đẳng giới nói riêng. Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số cũng còn những khó khăn, thách thức.

Hội thảo khoa học là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách cùng nhau trao đổi, chia sẻ sự đánh giá về thực trạng bình đẳng giới và thống nhất các giải pháp, khuyến nghị nhằm tăng cường bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe và phòng chống bạo lực dựa trên cơ sở giới.

Tham luận tại Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Mạnh Lợi, nguyên viện phó Viện Xã hội học, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Bình đẳng giới giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và các chính sách an sinh xã hội. Hiện Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách về kinh tế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, theo PGS, TS Nguyễn Mạnh Lợi, những chính sách này chưa có sự gắn kết với chính sách an sinh xã hội. Chính sách an sinh xã hội hiện nay có hai hướng, bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội. Cá nhân PGS,TS Nguyễn Mạnh Lợi cho rằng, chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay của Việt Nam là tương đối hào phóng với các đối tượng đa dạng trong khi trợ giúp xã hội còn hạn chế với đối tượng là người nghèo, đặc biệt là đối với phụ nữ dân tộc thiểu số.

Giảng viên Học viện Quản lý giáo dục Trương Thị Thúy Hằng chia sẻ, tảo hôn ở đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tồn tại. Tình trạng học sinh cấp trung học cơ sở là đồng bào dân tộc thiểu số xin nghỉ học về nhà chăm vợ đẻ, sinh viên xin nghỉ học về nuôi vợ con còn xuất hiện. Ngoài ra còn có những vấn đề nổi cộm ở vùng dân tộc thiểu số như: tục cướp vợ, bạo lực gia đình… Để giải quyết những vấn đề này, bà Trương Thị Thúy Hằng cho rằng cần có sự kết hợp hài hòa, giải pháp gốc rễ đối với vấn đề bình đẳng giới, chính sách kinh tế, an sinh xã hội và chính sách về dân số với phụ nữ dân tộc thiểu số.

Các đại biểu cũng nêu một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Trước tiên, đây là vùng kinh tế chậm phát triển, nông nghiệp năng suất thấp, điều kiện sống thấp kém, do đó đã tạo ra những tổn thương kép, cả nam nữ đều được cần quan tâm, tạo cơ hội học hành, nâng cao nhận thức, tuy nhiên phụ nữ dân tộc thiểu số là đối tượng chịu tổn thương nhiều hơn. Cùng với đó, khuôn mẫu giới đã “đóng váng” từ rất lâu trong cộng đồng dân tộc thiểu số, công tác y tế, giáo dục, vấn đề hôn nhân cận huyết…, cũng dẫn đến những cơ hội phát triển, giải phóng của hai giới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với phụ nữ dân tộc thiểu số. Phụ nữ nơi đây không cảm nhận được bị bất bình đẳng giới do phong tục tập quán, định kiến giới đã ăn sâu vào tiềm thức họ.

Nêu một số giải pháp cho các vấn đề này, các đại biểu cho rằng, trước hết cần tạo sự phát triển năng động trong kinh tế vùng dân tộc thiểu số bằng cách kêu gọi đầu tư, cải thiện kinh tế, tạo sinh kế cho người dân vùng dân tộc thiểu số. Giải pháp đặc thù hiện nay là tăng cường các dự án trong xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện để phụ nữ dân tộc thiểu số được tham gia tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có hướng cởi trói cho phụ nữ dân tộc thiểu số đang bị công việc gia đình đè nặng. Đặc biệt, cần thúc đẩy công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức giới, khắc phục, hạn chế, loại bỏ dần những phong tục tập quán cổ hủ của các dân tộc thiểu số./.

 

Hoàng Mẫn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN