Hội nghị thượng đỉnh G20 chính thức khai mạc tại Osaka (Nhật Bản)
(ĐCSVN) – Sáng 28/6, Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi G20 đã chính thức khai mạc tại thành phố Osaka của Nhật Bản. Mục tiêu của sự kiện lần này là kết nối lãnh đạo các nước gạt bỏ sự khác biệt về lập trường về lợi ích để đạt được đồng thuận về một loạt các vấn đề nổi cộm trên thế giới.
Hiện hầu hết nguyên thủ, lãnh đạo của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới cùng 8 quốc gia khách mời, lãnh đạo của các tổ chức như Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tới Osaka. Sáng 28/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã là những vị khách tiếp theo có mặt tại địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20.
Báo chí Nhật Bản đưa tin, dự kiến Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay sẽ được chia làm 4 phiên thảo luận, gồm: Kinh tế toàn cầu, đổi mới kỹ thuật số, trao quyền cho phụ nữ và môi trường.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới quan sát thì một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay là cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chi phối phần lớn các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20. Hiện Tổng thống Mỹ đang có xu hướng muốn tìm kiếm các bản thỏa thuận thương mại song phương với các nước, đồng thời phàn nàn về việc một số nước đang phá vỡ các quy chuẩn thương mại quốc tế để giành ưu thế trong hợp tác thương mại với Mỹ.
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, cuộc đối đầu về thương mại đang tiếp diễn dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục để lại những hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế thế giới nếu như các nhà lãnh đạo G20 không thể đưa ra một tiếng nói thống nhất nhân Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Osaka (Nhật Bản).
Bên cạnh những nội dung chính trong chương trình nghị sự, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay còn trở thành sự kiện cầu nối để các nhà lãnh đạo trên thế giới có thể gặp gỡ và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề song phương, đa phương còn tồn tại.
Ngoài các cuộc gặp gỡ được lên kế hoạch từ trước với các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc, Tổng thống Mỹ D.Trump còn dự kiến sẽ gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để tìm kiếm giải pháp nhằm làm giảm nhẹ các đòn trả đũa thuế quan giữa hai nền kinh tế. Ngày 5/6, Mỹ đã chấm dứt áp dụng các biện pháp ưu đãi thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ và buộc bên thứ hai đưa ra các biện pháp trả đũa vào ngày 16/6.
Cũng trong trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, ông D.Trump sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh ba bên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Modi vào ngày hôm nay (28/6), với mục tiêu trọng tâm là nhằm tìm kiếm cách thức tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa ba nước trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trước sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Ngoài ra, một cuộc gặp 3 bên được trông đợi khác sẽ diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 đó là giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dư luận kỳ vọng, thông qua sự kiện này, các nhà lãnh đạo 3 nước sẽ đưa ra cam kết nhằm bảo vệ chủ nghĩa đa phương, phản đối chủ nghĩa bảo hộ – trong một động thái nhằm phát đi thông điệp rõ ràng trước chính sách thương mại “nước Mỹ trước tiên” mà Tổng thống D.Trump đang theo đuổi.
G20 được thành lập năm 1999 sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á (1997 - 1998), với mục tiêu thúc đẩy thảo luận các vấn đề kinh tế - tài chính toàn cầu và hợp tác giữa các nước phát triển với các nền kinh tế mới nổi, thông qua cơ chế hội nghị hằng năm các bộ trưởng tài chính. Ðến cuối năm 2008, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lan rộng, Hội nghị thượng đỉnh G20 lần đầu được tổ chức vào ngày 15/11/2008 tại Washington (Mỹ), đã thông qua Tuyên bố chung khẳng định cam kết chính trị cấp cao nhất về phối hợp hành động ứng phó với khủng hoảng. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, trong bối cảnh tình hình thế giới và quan hệ giữa các nước diễn biến phức tạp, chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20 lại bị chi phối nhiều hơn bởi các cuộc gặp gỡ song phương và đa phương./.