Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối thoại hợp tác châu Á lần thứ 3

Thứ Sáu, 04/10/2024 11:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Doha, khẳng định cam kết của các nước thành viên tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác, triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ACD giai đoạn 2021 – 2030 và Tầm nhìn ACD 2030 với 06 trụ cột gồm an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, kết nối đa chiều, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, văn hóa và du lịch, phát triển bền vững và bao trùm.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối thoại hợp tác châu Á (ACD) lần thứ ba đã diễn ra tại thành phố Doha, Qatar. 

Từ ngày 02 - 03/10/2024, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối thoại hợp tác châu Á (ACD) lần thứ ba đã diễn ra tại thành phố Doha, Qatar. Tham dự Hội nghị có các nhà Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao của 35 nước thành viên ACD. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị và làm việc tại Qatar.

Với chủ đề “Ngoại giao Thể thao”, Hội nghị thượng đỉnh ACD lần thứ ba nhấn mạnh vai trò quan trọng của thể thao trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của châu lục. Hội nghị cũng tập trung thảo luận các thách thức an ninh toàn cầu, các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm, tăng cường vai trò của các nước đang phát triển; thúc đẩy hợp tác nội khối trong các lĩnh vực then chốt, nhất là giao thông vận tải, chuyển đổi số, kinh tế số, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Doha, khẳng định cam kết của các nước thành viên tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác, triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ACD giai đoạn 2021 – 2030 và Tầm nhìn ACD 2030 với 06 trụ cột gồm: An ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, kết nối đa chiều, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, văn hóa và du lịch, phát triển bền vững và bao trùm.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định trong hơn 20 năm qua, ACD đã phát huy vai trò quan trọng đóng góp xây dựng cộng đồng châu Á đoàn kết và phát triển, thúc đẩy kỷ nguyên trỗi dậy của châu Á. Thứ trưởng nhấn mạnh vào thời điểm tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, ACD cần tập trung vào 5 trọng tâm hợp tác.

Thứ nhất, với vai trò là diễn đàn đối thoại và hợp tác toàn châu Á, ACD cần đề cao chủ nghĩa đa phương, cùng các cơ chế, diễn đàn khu vực, trong đó có ASEAN, đóng góp duy trì hòa bình, ổn định và vai trò đầu tầu của châu Á. Đối thoại và hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng phải trở thành sứ mệnh của ACD và trách nhiệm của từng thành viên ACD.

Thứ hai, ACD cần ưu tiên cao hơn cho tăng cường hợp tác thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, hỗ trợ các nước trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, phát triển các công nghệ và các nguồn năng lượng mới.

Thứ ba, cần bảo đảm chuỗi cung ứng khu vực bền vững thông qua thúc đẩy ký kết và triển khai các Hiệp định thương mại tự do, hạn chế các rào cản thương mại, bảo đảm chuỗi cung ứng châu Á tự cường, nhất là chuỗi cung ứng về lương thực và năng lượng.

Thứ tư, chia sẻ về những mất mát to lớn đối với nhân dân Việt Nam và một số nước trong khu vực do cơn bão Yagi, cơn bão lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua gây ra, Thứ trưởng đề nghị hợp tác ACD cần chuyển đổi để thích ứng với những vấn đề của tương lai và đóng góp giải quyết hiệu quả các thách thức toàn cầu, chú trọng bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước; nâng cao năng lực phòng ngừa và thích ứng với biến đối khí hậu.

Thứ năm, đẩy mạnh kết nối, giao lưu giữa người dân các nước thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao và các ngày du lịch. Văn hóa và thể thao cần trở thành trụ cột mới trong khuôn khổ hợp tác ACD, cụ thể hóa bằng những hoạt động giao lưu thể thao, đào tạo và phát triển thể thao thanh niên. Các quốc gia cần lồng ghép văn hóa và thể thao vào chiến lược phát triển tổng thể quốc gia và dành nguồn lực phù hợp để phát triển hai lĩnh vực quan trọng này.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cũng chia sẻ về đường lối đối ngoại và các định hướng phát triển của Việt Nam; khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực và trách nhiệm vào hoạt động của các tổ chức, cơ chế hợp tác toàn cầu, liên khu vực và khu vực vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Minh Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN