Hội nghị ban lãnh đạo giới thiệu người ứng cử được tổ chức thế nào?
(ĐCSVN) – Bạn đọc ở địa chỉ hoaithanh1990@gmail.com hỏi về việc hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị được tổ chức như thế nào?
Ảnh minh họa. Nguồn: vov.vn |
Bạn đọc: Tôi muốn hỏi về việc hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị được tổ chức như thế nào?
Trả lời: Thành phần tham dự hội nghị ban lãnh đạo mở rộng của cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác định như sau:
- Đối với tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, thành phần dự hội nghị gồm Đoàn Chủ tịch mở rộng tới người đứng đầu các tổ chức thành viên (tổ chức nào không có tổ chức thành viên thì tổ chức hội nghị Đoàn Chủ tịch mở rộng tới đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc); Ban Thường vụ mở rộng tới đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc hoặc Ban Thường trực mở rộng tới đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc. Trường hợp tổ chức xã hội không lập Ban Thường vụ thì tổ chức hội nghị Ban chấp hành.
- Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, thành phần dự hội nghị gồm lãnh đạo cơ quan, đại diện Ban chấp hành Công đoàn, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
- Đối với đơn vị vũ trang nhân dân, thành phần dự hội nghị gồm chỉ huy đơn vị, đại diện Ban chấp hành Công đoàn (nếu có), đại diện quân nhân và chỉ huy các đơn vị cấp dưới trực tiếp.
- Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân triệu tập và chủ trì hội nghị Ủy ban nhân dân mở rộng đến đại diện lãnh đạo đơn vị trực thuộc.
- Đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân triệu tập và chủ trì hội nghị gồm Thường trực Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân.
- Đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân triệu tập và chủ trì hội nghị gồm Thường trực Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
- Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan khác của Nhà nước thì người đứng đầu cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị ban lãnh đạo mở rộng đến đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc (nếu có) và đại diện Ban chấp hành Công đoàn.
- Đối với các đơn vị sự nghiệp thì người đứng đầu đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị ban lãnh đạo mở rộng đến đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc (nếu có) và đại diện Ban chấp hành Công đoàn.
- Đối với tổ chức kinh tế thì người đứng đầu tổ chức triệu tập và chủ trì hội nghị ban lãnh đạo mở rộng đến người đứng đầu các phòng, ban, phân xưởng, trạm, trại và đại diện Ban chấp hành Công đoàn.
- Đối với đơn vị vũ trang nhân dân thì chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị gồm chỉ huy đơn vị, đại diện Ban chấp hành Công đoàn (nếu có), đại diện quân nhân và chỉ huy các đơn vị cấp dưới trực tiếp.
- Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị.
Trình tự, thủ tục tổ chức hội nghị được thực hiện như sau:
- Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân báo cáo tình hình và kết quả hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác đối với từng người được dự kiến giới thiệu ứng cử.
- Những người dự hội nghị thảo luận và biểu thị sự tán thành của mình đối với từng người được giới thiệu ứng cử bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu giới thiệu phải đóng dấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
- Hội nghị thông qua biên bản và danh sách người được giới thiệu ứng cử (theo Mẫu số 03/BCĐBQH-MT).
Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác lấy ý kiến về người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phải được gửi cùng biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước khi Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức.
Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác lấy ý kiến về người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phải được gửi cùng biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh trước khi Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức.
Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác lấy ý kiến về người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi cùng biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương trước khi Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức.