Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hội LHPN Điện Biên: Vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định trong xã hội

Thứ Ba, 21/11/2023 09:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Để nêu lên những chuyển biến tích cực về công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Điện Biên, vừa qua, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hà Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên.

 Đồng chí  Hà Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên cùng đoàn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tại buổi trao đổi. Ảnh: TL.

PV: Thưa đồng chí, đề nghị đồng chí cho biết những nét khái quát trong thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh? Làm thể nào để đẩy mạnh các chính sách nhằm tăng cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh để tiếp cận các nguồn lực xã hội?

Đồng chí Hà Thị Thanh Tâm: Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ vì phụ nữ luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ. Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch chỉ đạo triển khai như: Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 19/8/2007 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị 36-CT/TU ngày 01/11/2013 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phụ nữ trong tình hình mới...

Từ tỉnh đến cơ sở đã thành lập Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ. Ở cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và xã hội là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước lĩnh vực bình đẳng giới, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh; Sở Nội vụ và Hội LHPN tỉnh là Phó Ban, các sở, ban, ngành có liên quan là thành viên Ban vì sự tiến bộ. Có 26 sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (cơ cấu gồm trưởng ban, phó trưởng ban và từ 02 đến 03 ủy viên). Cấp huyện/xã do đồng chí Phó Chủ tịch UBBND huyện, phụ trách khối văn hóa - xã hội làm trưởng ban và các thành viên là trưởng phòng, ban, đoàn thể trên địa bàn huyện, Phó trưởng ban thường trực là Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp liên ngành để triển khai thực hiện công tác vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn huyện; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực bình đẳng giới.

HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch giai đoạn, Kế hoạch năm hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật thực hiện có hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước về công tác Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh; giao rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu công tác bình đẳng giới.

Các cấp, các ngành đã phát huy vai trò của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hoá các nội dung, giải pháp tổ chức thực hiện công tác bình đẳng giới phù hợp theo từng địa phương, từng ngành.

Trong quá trình thực hiện đã có sự phối hợp liên ngành thực hiện bình đẳng giới. Việc lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được quan tâm, có nhiều chuyển biến đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, giáo dục đào tạo, y tế… Các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới đã được triển khai toàn diện, một số kết quả thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về cơ bản các chỉ số đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội. Công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, chất lượng đội ngũ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số; Công tác quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, công chức nữ giữ cương vị chủ chốt các cấp, các ngành đã được quan tâm thực hiện, nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh 14%, tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy 18,8%; cấp huyện bình quân 20%, cấp xã bình quân 19,8%.

Đại biểu Quốc hội nữ chiếm 50%; đại biểu HĐND là nữ ở cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 34,62%, cấp huyện chiếm 33,23%, cấp xã chiếm 30,84%. Cán bộ, công chức là nữ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh chiếm 31,06%, cấp huyện chiếm 25%, cấp xã chiếm 12,64%. Các cấp của tỉnh Điện Biên đều chú trọng công tác chăm lo cho các đối tượng phụ nữ yếu thế, nhất là phụ nữ thuộc nhóm đặc thù là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân. Nhận thức về giới và bình đẳng giới trong cán bộ, công chức, viên chức và người dân nói chung và các nhà quản lý, hoạch định chính sách nói riêng đã được nâng cao.

Tuy nhiên, vấn đề định kiến giới và tư tưởng trọng nam giới hơn phụ nữ vẫn còn tồn tại phổ biến ở một số gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội với các biểu hiện như thích sinh con trai hơn con gái, coi việc nội trợ, chăm sóc con cái là công việc của phụ nữ, ưu tiên quan tâm đến con trai nhiều hơn, quan niệm nam giới là người trụ cột, quyết định chính trong gia đình và đóng vai trò chính trong các quan hệ xã hội.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên đang từng bước khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh TL 

PV: Truyền thông được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, vậy theo đồng chí, Hội đã có những giải pháp nào nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền?

Đồng chí Hà Thị Thanh Tâm: Việc tuyên truyền, triển khai thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới được Hội LHPN các cấp triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng; tuy nhiên với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức không đồng đều thì truyền thông trực tiếp vẫn được xác định là ưu tiên hàng đầu. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, việc đầu tiên Hội LHPN tỉnh Điện Biên xác định cán bộ là yếu tố quan trọng đầu tiên, nhất là cán bộ địa phương, do vậy trong những năm qua Hội đã tăng cường tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng cho cán bộ Hội cơ sở làm công tác tuyên truyền.

Đồng thời, lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền thiết thực, phù hợp đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng hội viên, phụ nữ dựa trên kết quả nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ. Sử dụng cán bộ địa phương để thực hiện  công tác tuyên truyền.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã sử dụng nhiều hình thức truyền thông phù hợp theo các đối tượng hội viên, phụ nữ (trực tiếp, xây dựng các mô hình truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong các tác truyền thông..). Năm 2023, các cấp Hội đã triển khai thành lập các tổ truyền thông cộng đồng, được tập huấn bài bản các kỹ năng, cũng như việc lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch truyền thông trong cộng đồng; đối với học sinh, Hội đã phối hợp với ngành Giáo dục thành lập các câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi trong các trường học…

PV: Thưa đồng chí, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới đang được Hội thực hiện như thế nào?

Đồng chí Hà Thị Thanh Tâm: Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội là chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, phụ nữ. Trong những năm qua các cấp Hội đã tập trung thực hiện các nội dung, giải pháp góp phần thúc đẩy bình đẳng giới cụ thể như: Hội LHPN các cấp đã làm tốt vai trò của các cấp Hội trong các kỳ bầu cử cấp ủy, HĐND các cấp, tham mưu cán bộ nữ, tham gia các vòng hiệp thương, giám sát bầu cử, tập huấn nâng cao năng lực cho nữ ứng cử, tuyên truyền về bầu cử…

Bên cạnh đó, thực hiện tốt vai trò tham gia giám sát, phản biện của Hội LHPN các cấp tham gia giám sát thực thi luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em (9 tháng đầu năm 2023 các cấp Hội tham gia góp ý trên 100 dự thảo của Trung ương, của tỉnh và các cơ quan, ban, ngành; Hội LHPN tỉnh tổ chức thành công 02 Hội nghị phản biện bằng hình thức trực tiếp và báo cáo; tham gia 03 Hội nghị nghị phản biện do UBMTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì; phối hợp giám sát 140 cuộc (tỉnh: 01, huyện: 15, xã:124). Sau giám sát đã kịp thời phát hiện, đề xuất cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền.

Các cấp Hội LHPN trong tỉnh thường xuyên tập hợp ý kiến của hội viên, phụ nữ gửi các cấp có thẩm quyền để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, vai trò của Hội trong xây dựng Đảng, chính quyền. Chú trọng tham mưu đối thoại với người đứng đầu chính quyền các vấn đề có liên quan để phụ nữ tham gia và thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đổng thời đề xuất các các chương trình, đề án như: Xây dựng, tham mưu UBND phê duyệt các Đề án 939 “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp”; Đề án 938  “Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027; Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023”; Đề án Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030…

Các cấp Hội tăng cường phối hợp với Ngành Lao động thương binh và xã hội tập huấn năng cao kiến thức bình đẳng giới, lồng ghép giới cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới thuộc các ban, ngành, đoàn thể từ cấp huyện, cấp xã và cấp thôn, bản.

 Phụ nữ DTTS tự may vá tại nhà và có nhận thêu thủ công các sản phẩm trang phục, giầy để bán cho khách du lịch. Ảnh TL

PV:  Xin đồng chí cho biết, việc thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiếu số đang gặp những rào cản nào? Hội có đề xuất, kiến nghị nào đế góp phần thực hiện các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn?

Đồng chí Hà Thị Thanh Tâm: Có thể nói, những phụ nữ vùng dân tộc thiểu số thường gặp một số rào cản như: tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ nhận thức không đồng đều, số phụ nữ mù chữ, tái mù chữ còn nhiều; một số chị, em phụ nữ còn tự ti, an phận, không có ý chí bứt phá, thay đổi, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Bên cạnh đó, một số cấp ủy còn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác bình đẳng giới; còn coi đó là việc của phụ nữ. Xã hội mặc dù nhận thức của người dân cộng đồng đã nâng lên, tuy nhiên những tư tưởng định kiến giới, trọng nam khinh nữ; áp lực công việc gia đình, một số phong tục tập quán lạc hậu; đặc biệt nhất đối với vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ trẻ em gái đi học ở cấp học cao ít ... vẫn là rào cản ảnh hưởng đến sự tiến bộ của phụ nữ. Đặc biệt, bất đồng ngôn ngữ cũng là một trong nguyên nhân ảnh hưởng đến thực hiện bình đẳng giới.

PV:  Đồng chí có thế cho biết một số mô hình tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới của tỉnh?

Đồng chí Hà Thị Thanh Tâm: Nói về các mô hình tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới của tỉnh, có thể kể tới: 

- Nhà tạm lánh cộng đồng của tỉnh (tại xã Thanh Yên - huyện Điện Biên), 863 địa chỉ tin cậy nhà tạm lánh (trong đó có 307 địa chỉ tin cậy do các cơ sở Hội phụ nữ phối hợp thành lập).

- Mô hình CLB hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài (tại xã Sín Chải – huyện Tủa Chùa).

- Mô hình Trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực tại các trường học.

- 01 mô hình dịch vụ gia đình tại thành phố Điện Biên Phủ đã từng bước khẳng định tính thiết thực, phù hợp với đặc thù địa phương, góp phần tạo việc làm phụ nữ.

- Mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” xây dựng được 07 xã  

- 07 mô hình “Học chữ và học tiếng phổ thông từ người thân và cộng đồng” của Hội LHPN các cấp

- Mô hình "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn" tại xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa.

- Hội LHPN các cấp thành lập trên 610 các mô hình CLB: "Gia đình phát triển bền vững, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống", “Gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực”; “Phòng, chống tội phạm”; “Phòng, chống tệ nạn xã hội”; “Phụ nữ với pháp luật”; “Phòng, chống Bạo lực gia đình”; “Phòng, chống HIV/AIDS; “Tín dụng, tiết kiệm và xây dựng gia đình hạnh phúc”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đông chí đã trả lời phỏng vấn!

TL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN