Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm những ai?
(ĐCSVN)- Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (SGK) do người đứng đầu cơ sở GDPT thành lập, giúp cho việc tổ chức lựa chọn SGK. Mỗi trường tiểu học, THCS, THPT thành lập 1 hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.
Đó là quy định trong dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) xây dựng. Dự thảo Thông tư quy định, nguyên tắc lựa chọn SGK thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng trong cơ sở GDPT.
Lựa chọn 1 SGK cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp. Việc lựa chọn SGK đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Tiêu chí lựa chọn SGK phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT.
Ảnh minh họa. (Nguồn: VA) |
Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người
Hội đồng lựa chọn SGK do người đứng đầu cơ sở GDPT thành lập, giúp cho việc tổ chức lựa chọn SGK. Mỗi trường tiểu học, THCS, THPT thành lập 1 hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.
Hội đồng lựa chọn SGK gồm: người đứng đầu; cấp phó người đứng đầu; tổ trưởng chuyên môn; đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có SGK lựa chọn; đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên.
Bộ GD&ĐT lưu ý, những người đã tham gia biên soạn, thẩm định SGK của các nhà xuất bản không được tham gia Hội đồng lựa chọn SGK.
Hội đồng lựa chọn SGK có nhiệm vụ lựa chọn SGK trong danh mục đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng trong cơ sở GDPT. Hội đồng đề xuất danh mục SGK lựa chọn để sử dụng trong cơ sở GDPT với người đứng đầu cơ sở GDPT.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch. Cuộc họp của Hội đồng lựa chọn SGK được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham gia, trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký.
SGK được lựa chọn phải có trên 50% thành viên bỏ phiếu
Về quy trình lựa chọn SGK, dự thảo nêu rõ, tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK, đề xuất với Hội đồng bằng văn bản danh mục lựa chọn SGK.
Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá đề xuất danh mục lựa chọn GSK của các tổ chuyên môn theo các nguyên tắc quy định và tiêu chí lựa chọn GSK do sở GD&ĐT địa phương quy định để bỏ phiếu lựa chọn SGK bằng hình thức bỏ phiếu kín.
SGK được lựa chọn phải được trên 50% số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.
Sau đó, Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở GDPT danh mục SGK được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở GDPT.
Trên cơ sở đề xuất danh mục lựa chọn SGK của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở GDPT ban hành quyết định danh mục SGK được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở GDPT.
Người đứng đầu cơ sở GDPT công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở GDPT và niêm yết tại cơ sở GDPT khi bắt đầu năm học mới ít nhất 5 tháng.
Trong dự thảo, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND cấp huyện tổ chức hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các cơ sở GDPT lựa chọn SGK. Đảm bảo nguồn kinh phí để các cơ sở GDPT tổ chức lựa chọn SGK.
Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT thuộc thẩm quyền quản lý. Hướng dẫn cụ thể tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp với địa phương./.