Hội đồng Bảo an thảo luận về công việc của hai cơ quan trực thuộc do Việt Nam làm Chủ tịch
(ĐCSVN) – Ngày 13/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã họp thảo luận liên quan công tác của các cơ quan trực thuộc, trong đó có 2 cơ quan do Việt Nam làm Chủ tịch trong nhiệm kỳ 2020-2021.
Hội đồng Bảo an LHQ đã họp thảo luận liên quan công tác của các cơ quan trực thuộc ngày 13/2 .(Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ) |
* Sáng 13/12, Hội đồng Bảo an đã nghe báo cáo và thảo luận về công việc của Cơ chế giải quyết các vụ việc tồn đọng của các tòa án quốc tế (Cơ chế). Thẩm phán Carmel Agius, Chủ tịch Cơ chế và và ông Serge Brammertz, Công tố viên Cơ chế báo cáo tại cuộc họp.
Thẩm phán Agius - Chủ tịch Cơ chế cho biết, trong 6 tháng qua, Cơ chế đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể trong công tác xét xử. Theo đó, Cơ chế đã ban hành 3 bản án, tiếp nhận 2 vụ việc phúc thẩm khác và đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị xét xử một trường hợp; duy trì thực hiện các chức năng khác như quản lý thi hành án, bảo đảm quyền của những người thuộc thẩm quyền quản lý, bao gồm quyền lợi về y tế theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Thẩm phán Agius cũng thông tin về Thỏa thuận vừa đạt được giữa Cơ chế và chính phủ Niger trong việc chuyển giao, tiếp nhận và tái định cư 9 người đã trắng án và được phóng thích tại Tanzania hơn 10 năm qua.
Công tố viên Cơ chế khẳng định cam kết truy bắt các nghi phạm phạm tội diệt chủng tại Rwanda còn đang lẩn trốn, hỗ trợ các cơ quan tư pháp quốc gia trong truy tố các tội ác nghiêm trọng.
Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến phát biểu ủng hộ vai trò của Cơ chế trong thực thi công lý, truy cứu trách nhiệm với những người được cho là phạm tội ác nghiêm trọng, kêu gọi các nước liên quan hợp tác và hỗ trợ Cơ chế, đề nghị Cơ chế bảo đảm tuân thủ tiến độ xét xử, xây dựng lộ trình cắt giảm quy mô và kinh phí theo đúng tính chất là Cơ chế có “quy mô nhỏ, hoạt động hiệu quả, tạm thời với cơ cấu và chức năng giảm dần theo thời gian”.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an cảm ơn và đánh giá cao đóng góp của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Nhóm làm việc không chính thức của Hội đồng Bảo an về các tòa án quốc tế trong 2 năm qua, nhất là về thúc đẩy hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và Cơ chế.
Đại sứ Phạm Hải Anh, Đại biện lâm thời của Việt Nam tại LHQ, ghi nhận các nỗ lực của Cơ chế trong triển khai các biện pháp thực hiện Nghị quyết 2529 (2020) của Hội đồng Bảo an, ủng hộ Cơ chế hoàn thành các hoạt động xét xử và chức năng khác đúng thời hạn, thực hiện đúng tầm nhìn của Hội đồng Bảo an.
Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh quốc gia có trách nhiệm hàng đầu trong truy tố, xét xử tội ác quốc tế nghiêm trọng, do đó, cần hỗ trợ các quốc gia tăng cường năng lực xét xử khi có yêu cầu.
Tại cuộc họp cuối cùng của Việt Nam về chủ đề này với tư cách thành viên Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch Nhóm công tác Tòa án quốc tế, Đại sứ Phạm Hải Anh khẳng định, Việt Nam cam kết thúc đẩy việc tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và mong muốn Hội đồng Bảo an duy trì đồng thuận, đoàn kết trong ủng hộ công việc của Cơ chế.
* Cũng trong chiều ngày 13/12, thay mặt Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Phạm Hải Anh đã có phát biểu trước Hội đồng Bảo an trên cương vị Chủ tịch Ủy ban trực thuộc Hội đồng Bảo an liên quan Nam Sudan (Ủy ban 2206) về các hoạt động của Ủy ban trong 2 năm qua.
Đại sứ Phạm Hải Anh phát biểu tại cuộc thảo luận (Ảnh: Phái đoán Việt Nam tại LHQ) |
Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh, mặc dù phải đối mặt với các thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, Việt Nam đã nỗ lực để triển khai các hoạt động của Ủy ban và bảo đảm thực thi nhiệm vụ được giao trên cơ sở minh bạch, khách quan và trách nhiệm, trong đó đã tổ chức 11 phiên họp trực tiếp, gửi 85 thư, thông qua 10 yêu cầu miễn trừ và 2 thông cáo báo chí.
Việt Nam là nước đầu tiên thúc đẩy và Ủy ban 2206 là cơ quan trực thuộc Hội đồng Bảo an đầu tiên quay trở lại hình thức họp trực tiếp vào tháng 6/2021.
Đặc biệt, Việt Nam đã thúc đẩy tiến hành chuyến thăm thực địa của Chủ tịch và Ủy ban tại Nam Sudan vào tháng 11/2021, là chuyến thăm đầu tiên của Ủy ban tới Nam Sudan sau 2 năm và là lần đầu kể từ khi chính phủ chuyển tiếp ở Nam Sudan được thành lập năm 2020. Chuyến thăm đã giúp các nước thành viên tìm hiểu thông tin về tình hình thực tế Nam Sudan, các tiến triển của quá trình thực thi Thỏa thuận Hòa bình năm 2018 và việc thực thi các tiêu chí rà soát theo Nghị quyết 2577 (2021) của Hội đồng Bảo an, tạo cơ sở cho việc Hội đồng Bảo an rà soát, xem xét dỡ bỏ cơ chế cấm vận vũ khí liên quan đến Nam Sudan trong năm 2022.
Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh, ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam là thúc đẩy hợp tác giữa Ủy ban và Nhóm chuyên gia (PoE) của LHQ về Nam Sudan với Nam Sudan, các nước láng giềng và khu vực.
Đại diện Việt Nam bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục duy trì, thúc đẩy đối thoại và hợp tác với Nam Sudan và các nước khu vực trong triển khai các Nghị quyết liên quan và hỗ trợ phía Nam Sudan, đặc biệt triển khai các tiêu chí rà soát theo Nghị quyết 2577; đồng thời tiếp tục tiến hành các chuyến thăm thực địa thời gian tới không chỉ tới Nam Sudan mà còn tới các nước khu vực để giúp Hội đồng Bảo an có cái nhìn gần hơn với thực tế tại đó.
Cũng trong ngày 13/12, Hội đồng Bảo an LHQ đã xem xét một dự thảo nghị quyết do Ireland và Niger đệ trình về an ninh khí hậu.
Kết quả, dự thảo Nghị quyết nhận được 12 phiếu thuận, 2 phiếu chống của Nga và Ấn Độ và 1 phiếu trắng của Trung Quốc. Dự thảo nghị quyết không được thông qua do có phiếu phủ quyết của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.
Phát biểu sau phiên bỏ phiếu, Đại sứ Phạm Hải Anh khẳng định, Việt Nam ủng hộ cách tiếp cận tổng thể trong ứng phó với biến đổi khí hậu và Hội đồng Bảo an đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế và toàn hệ thống LHQ.
Việt Nam kêu gọi các nước thành viên Hội đồng Bảo an tiếp tục tham vấn, hợp tác trên tinh thần đồng thuận, đoàn kết vì lợi ích chung nhằm thúc đẩy hành động của Hội đồng Bảo an và LHQ trên một vấn đề thuộc quan tâm hàng đầu của nhân loại.
Đại sứ Phạm Hải Anh khẳng định, là một trọng những nước chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam dành ưu tiên cao cho vấn đề này, cam kết tiếp tục tham gia chủ động, tích cực và xây dựng trên vấn đề này tại các cơ quan của LHQ và các diễn đàn đa phương khác./.