Hội chứng đầu tư theo phong trào?
(ĐCSVN) - Đầu tư theo kiểu phong trào, không nghiên cứu thị trường, mà vẫn “ vẽ” ra “dự án vàng”, “dự án bạc” trị giá hàng nghìn tỷ đồng, đó là “tật” của không ít doanh nghiệp nhà nước và dân doanh. Dự án “đắp chiếu” hoặc không hiệu quả, doanh nghiệp lại cầu cứu nhà nước, nhưng khổ nỗi ngân sách, sức dân thì... có hạn!
Nhà máy ethanol miền Trung đóng cửa mấy năm nay. (Nguồn: vnn.vn)
Cả nước hiện có 7 dự án nhà máy sản xuất ethanol với tổng công suất hơn 239.000 tấn ethanol/năm. Trong 7 dự án thì doanh nghiệp ngành dầu khí đầu tư 3 dự án với quy mô nghìn tỷ đồng, còn lại 4 dự án của doanh nghiệp dân doanh đầu tư với số vốn từ 500 tỷ đồng đến gần 1.000 tỷ đồng.
Để cứu cánh cho ngành công nghiệp non trẻ, theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt, từ tháng 12/2014 xăng E5 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5. Và tháng 12/2015 xăng E5 bắt đầu được áp dụng đại trà cho các phương tiện cơ giới đường bộ trên toàn quốc.
Chính sách hỗ trợ thị trường đã có, nhưng người tiêu dùng gần như chưa đồng thanh với xăng E5 vì chưa có thói quen sử dụng xăng sinh học, giá xăng E5 lại không rẻ hơn xăng A92 là bao nhiêu...
Cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà máy sản xuất ethanol gần như rất thông thoáng, nhưng đa số nhà máy đã phải đóng cửa ngay từ khi đưa vào sản xuất chỉ chưa đầy 1 năm. Nhà máy tạm ngừng sản xuất, thua lỗ, công nợ...làm các chủ đầu tư như ngồi trên “đống lửa”.
7 nhà máy sản xuất ethanol đang ở rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, nếu không muốn nói là đang bên bờ vực thẳm, câu hỏi đặt ra là nhà nước cứu doanh nghiệp nhà nước hay cứu tất cả?
Việc nhà nước có chính sách hỗ trợ ngắn hạn cho doanh nghiệp vừa khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những lĩnh vực “chưa có tiền lệ” là cần thiết, nhưng nếu tiếp tục duy trì cơ chế “đặc thù” thông qua việc “xóa nợ”, “khoanh nợ”, “bảo lãnh”, “ưu đãi thuế”, “bảo lãnh” cho doanh nghiệp, rất có thể sẽ làm thui chột môi trường cạnh tranh, khó thực hiện được mục tiêu công bằng xã hội.
Khác với thời kỳ kinh tế kế hoạch, kinh tế thị trường phải tuân theo quy luật cung - cầu, cạnh tranh lành mạnh (trừ một số lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng), và nhà nước với vai trò kiến tạo, không “cầm tay chỉ việc” nên không chịu trách nhiệm với quyền tự quyết của doanh nghiệp.
Không chỉ có các nhà máy sản xuất ethanol rơi vào tình trạng bi đát, một số dự án khác cũng đang đứng trước bờ vực của sự phá sản như Dự án Nhà máy Nhà máy Xơ - Sợi Đình Vũ (Hải Phòng) đầu tư 7.000 tỉ đồng; Dự án đầu tư mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên hơn 8.000 tỉ đồng bị “đắp chiếu” nhiều năm qua. Vẫn một câu hỏi thường trực, nhà nước cứu hay không?
Ngân sách nhà nước không phải nước biển, mà phụ thuộc vào sức đóng góp của dân thông qua thuế, phí và lệ phí. Doanh nghiệp nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào dự án nay lại “ép” nhà nước cứu, điều đó có lẽ chỉ là “ giấc mơ” của doanh nghiệp! Cứu doanh nghiệp, đồng nghĩ với việc nhà nước khó còn cơ hội, điều kiện để đầu tư các dự án cấp thiết cho tương lai như trường học, bệnh viện, đường giao thông, cầu dân sinh... cho những địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa./.