Hội chợ hoa Xuân, quảng bá sản phẩm OCOP tại huyện Phúc Thọ
(ĐCSVN) - Hội chợ thu hút hơn 110 gian hàng, trong đó có 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu, giao thương sản phẩm của 70 doanh nghiệp đến từ 19 tỉnh/thành phố và 3 khu không gian chung giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, làng nghề, quảng bá du lịch của các địa phương...
Ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc sự kiện |
Chiều 20/1, tại thị trấn huyện Phúc Thọ, UBND huyện Phúc Thọ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Thành phố Hà Nội khai mạc Hội chợ hoa xuân, quảng bá sản phẩm làng nghề, nông sản phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn huyện.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội cho biết, Hội chợ diễn ra từ ngày 19 - 23/1/2024, tại Khu vực đất Trung tâm thương mại và mua bán tự chọn Lan Chi, huyện Phúc Thọ.
Hội chợ thu hút hơn 110 gian hàng, trong đó có 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu, giao thương sản phẩm của 70 doanh nghiệp đến từ 19 tỉnh/thành phố và 3 khu không gian chung giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, làng nghề, quảng bá du lịch của các địa phương (gồm không gian giới thiệu sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP địa phương; khu sáng tạo, trình diễn sản phẩm làng nghề; khu trình diễn ẩm thực, văn hóa địa phương).
Bên cạnh hình ảnh về văn hóa, lịch sử, ẩm thực của địa phương được chú trọng quảng bá tới khách tham quan, nhiều sản phẩm đặc sản, nông sản thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, gia dụng của các tỉnh, thành được trưng bày, giới thiệu và bán tới tay người tiêu dùng.
Một số sản phẩm đặc sản nông sản nổi tiếng sẽ được giới thiệu tại hội chợ có thể kể đến như: Chè Shan tuyết Hà Giang, gạo Điện Biên, tương ớt Mường Khương, cá kho làng Vũ Đại, cam Vinh và nhiều sản phẩm nông sản tiêu biểu đều có mặt tại Hội chợ. Đặc biệt, Hội chợ đã phối hợp cùng huyện Phúc Thọ để quảng bá những sản phẩm làng nghề truyền thống tại nơi đây (nghề may, nghề mộc, nghề dệt thảm…), qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hoá địa phương.
"Hội chợ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm nông sản OCOP đồng thời quảng bá du lịch địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đây là dịp để người tiêu dùng tham quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam", ông Bùi Duy Quang nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ phát biểu chào mừng. |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cho biết, Hội chợ là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa thiết thực, là dịp để các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trưng bày, giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tinh hoa làng nghề truyền thống tiêu biểu của huyện Phúc Thọ, của Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống; đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh, thành trong cả nước; gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và dịch vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế -xã hội nói chung.
Đồng thời, Hội chợ nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có thương hiệu nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị và an sinh xã hội; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối trên cơ sở liên kết vùng, giúp các tỉnh, thành đẩy mạnh sự hợp tác và tạo điều kiện để mở rộng thị trường cho các sản phẩm tiềm năng.
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ. |
Trong khuôn khổ của Hội chợ lần này, Hội sinh vật cảnh huyện Phúc Thọ đã mời nhiều nghệ nhân, nhà vườn, hội sinh vật cảnh trong cả nước đem đến hơn 200 tác phẩm sinh vật cảnh đặc sắc, trên 100 tác phẩm hoa Lan với nhiều chủng loại đẹp, quý.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện, Phúc Thọ đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Trong nông nghiệp, huyện chú trọng chuyển đổi, tái cơ cấu nội ngành theo hướng đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, giảm dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả, hình thành các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến.
Các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút khai mạc Hội chợ. |
Huyện đã xây dựng và triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo. Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, huyện ban hành Đề án “Phát huy giá trị cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường và ý thức vươn lên của người Phúc Thọ” nhằm hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của huyện, đồng thời làm nổi bật các giá trị văn hóa lịch sử tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố.
Hội chợ sẽ mở cửa đón khách tham quan từ 8h00 - 22h00 hằng ngày từ ngày 19/1 đến 23/1./.