Hội An xây dựng phương án bảo vệ di tích trong mùa mưa bão
(ĐCSVN)- Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa TP Hội An (Quảng Nam) đang tiến hành khảo sát các di tích để xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó phù hợp nhằm bảo vệ, phòng tránh tác hại của thiên tai đối với các di tích trong mùa mưa bão năm nay.
Di tích chùa Cầu đang được trùng tu với nhà bao che bên ngoài. |
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa (Trung tâm) Hội An cho biết, các phòng chuyên môn của đơn vị thường xuyên thực hiện việc khảo sát các di tích trong khu phố cổ cũng như các di tích ở vùng ven.
Đặc biệt, trước mỗi mùa mưa bão, Trung tâm tập trung lực lượng nhân sự để triển khai thực hiện công tác khảo sát các di tích trong và ngoài khu phố cổ, đánh giá tình hình di tích, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó phù hợp nhằm phòng tránh, giảm thiểu các tác hại của thiên tai, bão lũ lên di tích. Tại khu phố cổ, Trung tâm đã phối hợp với UBND các phường thực hiện công tác khảo sát đánh giá tình trạng các di tích trong khu vực, đặc biệt là các di tích xuống cấp đã chống đỡ qua các năm. Qua khảo sát, có 41 di tích xuống cấp, trong đó 10 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 21 di tích xuống cấp nặng, 10 di tích xuống cấp nhẹ. Hầu hết là các ngôi nhà cổ nằm ở các tuyến đường trung tâm như các nhà số 34 Trần Phú; 12/11, số 34 Bạch Đằng; 17 Hoàng Diệu; 7/2 Nguyễn Huệ; 71/4 Phan Châu Trinh; 56/10 Lê Lợi; 11/10 Trần Phú;…
Tình trạng các di tích qua khảo sát bị xuống cấp như tường nứt, hệ khung gỗ bị mục, hệ gỗ mái đòn tay, rui, lách bị mối mọt, kết cấu gỗ, hệ mái ngói hư hỏng nặng… Nhiều nhà chỉ cho thuê kinh doanh, dùng làm nhà thờ không ở. Chẳng hạn nhà số 34 Trần Phú, đại diện là ông Lý Ngọc Hùng, nếp nhà trước hiện trạng hệ mái ngói âm dương xuống cấp nghiêm trọng, rui gỗ bị mục có nguy cơ sụp, nhà không còn khả năng chống đỡ. Nhà số 17 Hoàng Diệu, đại diện là bà Phạm Thị Châu, hiện trạng kết cấu gỗ, đòn tay, rui, lách, hệ mái ngói hư hỏng nặng, tường nứt nhiều nơi. Nhà số 34 Bạch Đằng, đại diện ông Võ Đấu, toàn bộ tường của ngôi nhà bị nứt xuống cấp nghiêm trọng, hệ mái tôn bị sụp đổ một phần,… Qua khảo sát, đơn vị cũng đề xuất các giải pháp chống đỡ, hạ giải, trong đó đề xuất Trung tâm hỗ trợ chống đỡ 2 di tích; chủ di tích tự chống đỡ 27 di tích. Ngoài ra có 12 di tích không còn khả năng chống đỡ, đề xuất hạ giải.
Ở vùng ngoại vi khu phố cổ, qua khảo sát có 117 di tích đang xuống cấp với những mức độ khác nhau. Bên cạnh một số di tích xuống cấp đã được Trung tâm hỗ trợ gỗ chống đỡ qua các năm trước, có một hạng mục của di tích cấp quốc gia đang xuống cấp, nguy cơ bị ảnh hưởng cao hơn trong mùa mưa bão năm nay là hạng mục tường rào phía trước chùa Viên Giác (tình hình xuống cấp nặng, có nguy cơ sụp đổ, mức độ rủi ro cao). Một số di tích tại xã đảo Tân Hiệp như miếu Trung Lộc, miếu Bà Mộc, miếu Bà Mụ (thôn Bãi Ông), miếu Thành Hoàng (thôn Bãi Làng) có cây xanh xâm thực hệ mái cũng đã được khảo sát, đánh giá hiện trạng và đưa ra các giải pháp xử lý. Trung tâm cũng thực hiện khảo sát về các cây cổ thụ trong danh mục bảo vệ của thành phố và đưa ra đề xuất các đơn vị chức năng cắt tỉa 28 cây và bóc tách cây dại ký sinh trên các cây cổ thụ trước mùa mưa bão năm nay để bảo vệ cây, đảm bảo an toàn cho di tích và cuộc sống người dân trong mùa mưa bão sắp đến.
Nhà số 35 Trần Phú nằm trong danh sách các di tích xuống cấp qua khảo sát. |
Trong công tác khảo sát, đánh giá tình trạng thực tế của từng di tích trong khu phố cổ, bên cạnh sự phối hợp với UBND các phường ở khu vực trung tâm phố cổ như Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Trung tâm cũng nhận được sự hỗ trợ, giúp sức rất nhiều của lực lượng mạng lưới cộng tác viên bảo tồn di sản văn hóa Hội An. “Sự phối kết hợp giữa cán bộ Trung tâm với lực lượng cộng tác viên bảo tồn di sản trong công tác khảo sát, nắm bắt tình hình các di tích trong khu phố cổ hằng năm, đặc biệt là công tác khảo sát nắm bắt tình hình các di tích trước, trong và sau mùa mưa, bão; khảo sát tình trạng sử dụng di tích trong công tác phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Từ đó giúp các cơ quan chuyên môn có những giải pháp phù hợp đảm bảo sự an toàn cho các di tích trong khu phố cổ trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy trong khu phố cổ. Vì vậy, trong nhiều năm qua, không có trường hợp di tích bị sụp đổ do ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết; giảm thiểu các trường hợp hỏa hoạn do thiếu sự cẩn trọng của người dân gây ra, dẫn đến làm giảm giá trị của di sản văn hóa”, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm thông tin thêm.
Được biết, việc chống đỡ, chèn chống bảo vệ di tích chùa Cầu luôn là mối quan tâm của địa phương mỗi khi mùa mưa bão đến. Năm nay, di tích quốc gia đặc biệt này đang được tu bổ, dự kiến sẽ hoàn thành vào thời điểm cuối năm 2023. Trong quá trình triển khai tu bổ, đơn vị thi công, Trung tâm cũng đã xây dựng nhà bao che hai tầng kiên cố, đảm bảo không gian thi công, hệ khung nhà bao che được cấu kiện vững chắc để đảm bảo chống chịu trong trường hợp mưa bão, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công…
Theo báo cáo của Trung tâm, Khu phố cổ Hội An gồm 1.117 di tích kiến trúc, được chia làm 5 loại di tích, trong đó có 41 di tích loại đặc biệt; 97 di tích loại I. Từ năm 1999 đến nay đã triển khai thực hiện tu bổ, tôn tạo hơn 300 di tích từ nguồn ngân sách nhà nước.