Hội An (Quảng Nam) tìm giải pháp trùng tu Chùa Cầu
(ĐCSVN) – Chùa Cầu không chỉ là một di tích nổi tiếng mà còn là biểu tượng của Thành phố Hội An (Quảng Nam). Tuy nhiên, hiện di tích này đang dần xuống cấp; việc trùng tu đang là vấn đề cấp bách đối với các ngành chức năng TP.Hội An và tỉnh Quảng Nam.
Nỗi lo Di tích xuống cấp
Di tích Chùa Cầu (còn gọi là Lai Viễn Kiều) là công trình kiến trúc độc đáo bằng chất liệu gỗ, là biểu tượng độc đáo về sự giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản – Trung Hoa ở phố cổ Hội An.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Quảng Nam, trải qua hơn 4 thế kỷ chịu sự tác động của thời gian cùng thiên tai, bão lũ nên nhiều hạng mục tại di tích Chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập, đổ nếu không có giải pháp bảo vệ, trùng tu kịp thời. Đây là nỗi lo lớn không chỉ của ngành VHTT&DL chúng tôi mà các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam, TP.Hội An cũng đang rất trăn trở.
Ngoài sự tác động của thời gian, thời tiết, du lịch cũng góp phần làm cho Di tích Chùa Cầu thêm xuống cấp
“Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giải pháp thống nhất để tu bổ do công trình là một biểu tượng và là di tích quốc gia đặc biệt. Được biết, từ gần 10 năm về trước, một dự án về tu bổ di tích Chùa Cầu đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản di tích Quảng Nam (nay là Trung tâm Quản lý Di tích danh thắng Quảng Nam) tiến hành. Tuy nhiên, dự án tu bổ này mới tập trung vào gia cố phần hạ bộ là trụ móng và nạo vét, xây kè chỉnh trang lại dòng chảy, phần kết cấu bên trên vẫn chưa thể can thiệp do có nhiều ý kiến trái chiều về giải pháp”- ông Tịnh cho biết thêm.
Đại diện Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm này chia sẻ: Qua thực hiện dự án tu bổ trên, độ hở bên trên Chùa Cầu được xem là đã ổn định vì phần móng được gia cố nhưng do gỗ xuống cấp nên dẫn đến phần thượng bộ bị nghiêng. Vì vậy, câu chuyện của Chùa Cầu hiện nay ngoài nghiêng lún thì việc thay thế gỗ, ngói hư mục bên trên là rất cấp thiết. Tuy nhiên, hạ giải hay không hạ giải phải chờ tổ chức hội thảo để tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, quản lý, nhà khoa học.
“Suốt nhiều năm qua chúng tôi luôn bàn, tìm giải pháp để tu bổ Chùa Cầu nhằm đảm bảo sự nguyên vẹn và chất lượng cho Di tích này. Trong đó, vấn đề tham vấn ý kiến của các nhà khoa học đến từ Nhật Bản đã được tham khảo, chia sẻ. Theo các nhà khoa học Nhật Bản thì phải làm triệt để Di tích Chùa Cầu bằng việc tháo dỡ toàn bộ từ phần móng lên rồi tu bổ kết hợp với nghiên cứu khảo sát. Tuy nhiên, chúng tôi lại muốn xử lý cục bộ, hư hỏng chỗ nào thì tu bổ chỗ đó. Do không thống nhất nhau về phương pháp, nên đến nay Di tích mới dừng lại ở việc tu bổ phần hạ bộ, tức là chống đỡ dần chân và tu bổ phía dưới móng sau đó cố định lại”- ông Trung cho biết.
Dù phần lún hiện nay gần như đã xử lý cố định chỉ còn dột hư hại gỗ phía trên và tình trạng này cũng đã diễn ra lâu rồi. “Những công trình có giá trị đặc biệt thì chỉ tiến hành tu bổ khi thật sự cần thiết. Trong khi đó, với tính đặc thù, đặc biệt Di tích Chùa Cầu, cần thiết phải có bước đi thận trọng, phải tham khảo ý kiến các nhà khoa học để tu bổ”- ông Trung nói.
Phải tìm giải pháp tối ưu!
Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam khi đề cập đến việc trùng tu Di tích Chùa Cầu. Trước đó, trong một đợt khảo sát mức độ xuống cấp của Di tích này, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam lưu ý với Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Cơ quan được giao trực tiếp quản lý Di tích Chùa Cầu): Chùa Cầu xuống cấp ngoài tác động của thời gian thì du lịch cũng đang là yếu tố tác động hằng ngày khiến Di tích này tiếp tục xuống cấp.
“Chùa Cầu có khẩu độ ngắn nên việc khách đứng tại chỗ với số lượng lớn chắc chắn sẽ tác động đến Di tích. Do đó cần phải có giải pháp để hạn chế khách qua lại Chùa Cầu. Theo tôi, việc mở cầu phụ cũng nên được tính đến. Riêng việc trùng tu Chùa Cầu cần phải được tiếp cận nghiên cứu thận trọng. Trong đó, phải được tiến hành theo quan điểm bảo tồn phù hợp và phải đúng hướng cùng với các giải pháp can thiệp chính xác và chuẩn mực, tránh trường hợp làm biến dạng di tích”- ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam đề nghị.
Chùa Cầu- Biểu tượng sự kết hợp văn hóa Nhật- Hoa- Việt, đồng thời cũng là biểu tượng của Phố cổ Hội An
Còn theo Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An Nguyễn Chí Trung, đã đến lúc cần nghĩ đến phương án kiếm soát (hạn chế) lượng khách lên Chùa Cầu, nhưng bao nhiêu khách là vừa; hoặc đi theo từng đoàn, hết đoàn này đến đoàn khác chứ không nên để khách đi tự do lên Chùa Cầu như hiện nay.Cũng theo ông Trung, nếu làm cầu phụ đi qua Chùa Cầu thì cần phải tính toán cho cụ thể, bởi Chùa Cầu vừa là một di tích tiêu biểu nhưng đồng thời cũng là đơn vị cấu thành “Phố cổ Hội An”. Vì thế, việc làm thêm công trình nào vào vị trí này cũng phải cân nhắc dù là làm thêm cho khách tham quan để nó không vô hình chung trở thành một kết cấu mới đối với Chùa Cầu. Ngoài ra, khoảng cách cầu phụ và Chùa Cầu là bao nhiêu thì vừa? “Nếu làm xa quá thì khách không nhìn thấy cầu, không vào được bên trong còn gần quá thì chụp hình bên Chùa Cầu có thêm cái cầu phụ sẽ làm mất mỹ quan”- ông Trung đặt giả thuyết.
Trước những khó khăn trên, theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thì, UBND TP. Hội An đã có văn bản trình UBND tỉnh Quảng Nam xin chủ trương tổ chức một cuộc hội thảo khoa học để tham khảo ý kiến các nhà khoa học về những giải pháp cho việc trùng tu Di tích Chùa Cầu.
“Cần phải tìm ra được giải pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề trước mắt của Chùa Cầu và tính toán công tác tu bổ cũng như vấn đề sau khi tu bổ là cái gì. Đặc biệt, qua các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các cơ quan truyền thông báo chí tại hội thảo sẽ giúp tạo được đồng thuận của dư luận. Bởi không trùng tu thì dư luận đặt vấn đề địa phương chỉ quan tâm khai thác mà không trùng tu; ngược lại, nếu phải tuân thủ theo lộ trình của di tích quốc gia đặc biệt là trước khi trùng tu phải tiến hành các bước “tham vấn cộng đồng” thì chắc chắn sẽ kéo dài. Và như thế, cứ kéo dài sẽ dẫn đến khả năng lâu ngày Di tích càng hư hại thêm, nhất là các cấu kiện gỗ do nước mưa thấm gây ra”- ông Trung chia sẻ thêm./.