Hội An: Cần các giải pháp đồng bộ, tổng thể chống sạt lở bờ biển Cửa Đại
(ĐCSVN) - Hơn 7 km bờ biển Hội An đang đối mặt sạt lở và biển xâm thực ngày càng mạnh. Đến nay, chỉ sau 7 năm (2013-2020), toàn bộ bờ biển Hội An với hơn 7km đều bị sạt lở một cách nghiêm trọng; bãi tắm biển Cửa Đại đã không còn, bãi tắm biển An Bàng, Tân Thành nguy cơ sẽ mất chỉ trong 1-2 năm nữa.
Quang cảnh tại Hội thảo đánh giá tình hình sạt lở bờ biển Hội An và phương án đầu tư các công trình bảo vệ biển trong 2 năm đến. |
Chiều 19/11, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND TP Hội An tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình sạt lở bờ biển Hội An và phương án đầu tư các công trình bảo vệ biển trong 2 năm đến.
Rất cần những ý tưởng, đề xuất để bảo vệ bờ biển
Mở đầu Hội thảo, đại diện Phòng Kinh tế TP Hội An thông tin, từ năm 2010 đến nay, bằng nhiều nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh và của Thành phố, chính quyền TP Hội An đã triển khai kè cứng và kè mềm biển Cửa Đại để hạn chế tình trạng biển xâm thực vào sâu trong đất liền.
Đến năm 2016, tổng nguồn kinh phí đầu tư để bảo vệ bờ biển Hội An lên đến 130 tỷ đồng, một số khu vực giảm tình trạng biển xâm thực, hạn chế sạt lở thêm vào bên trong.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn ở khu vực phía bắc bở biển Hội An (thuộc phường Cẩm An, biển An Bàng). Tình trạng sạt lở nặng nhất vào mùa mưa bão năm 2020, nhiều nhà hàng, khu nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần 8 km bờ biển Hội An đều bị tác động mạnh của sóng biển.
Trước thực trạng đó, chính quyền TP Hội An và các doanh nghiệp du lịch rất lo lắng; bởi tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, địa phương rất mong các nhà khoa học sẽ đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả để giúp địa phương ngăn chặn nạn sạt lở bờ biển kéo dài và trầm trọng thêm như hiện nay.
Tuy nhiên, đồng chí Sơn cũng cho hay, thực tế thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế cũng như các nhà khoa học trong và ngoài nước đã khảo sát, đề xuất đưa ra nhiều giải pháp (cả kè cứng lẫn kèm mềm); song bờ biển Hội An vẫn đang từng ngày bị tàn phá, sạt lở nghiêm trong. Do vậy, chính quyền TP mong muốn các ý kiến, giải pháp đặt ra lần này cần có tính toàn diện, đồng bộ nhằm bảo vệ bờ biển Hội An tốt nhất, an toàn nhất.
Một đoạn sạt lở bờ biển tại bãi tắm An Bàng (Hội An) sau bão số 13 vừa qua. |
Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ mất bãi biển
Thông tin về giải pháp mà Hội An đang chủ trương, theo UBND TP này, hiện địa phương đang kiến nghị với tỉnh để cho phép triển khai phương án xây dựng kè mái nghiên bằng tấm lát bê tông trong hệ khung giằng ngang và dọc bằng bê tông cốt thép nhằm chống sạt lở ven bờ trong mùa mưa bão; đồng thời kết hợp làm kè mỏ hàn bằng ống địa kỹ thuật tạo bãi trong mùa hè.
Nếu được UBND tỉnh đồng ý và hỗ trợ kinh phí, Hội An dự kiến phương án này sẽ được thực hiện từ năm 2021 đến 2022 với chiều dài khoảng 1km và tổng kinh phí khoảng 120 tỷ đồng.
Trước đó, trao đổi tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia cho rằng, cùng với biến đổi của khí hậu và thời tiết cực đoan, tình trạng sạt lở tại bờ biển Hội An đang ở mức báo động, nếu không kịp thời có giải pháp hữu hiệu thì khả năng biến mất của bãi biển từng được cho là đẹp nhất hành tinh sẽ sớm thành hiện thực.
Theo TS Ngô Anh Đào (Công ty Tư vấn quy hoạch và thiết kế cảnh quan LAPAT International), khu vực biển Hội An và lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn có một đới bờ và địa hình độc đáo, cần được bảo vệ. “Hội An cần thực hiện các giải pháp bảo vệ bờ biển theo phương châm là “thuận thiên”, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Thay vì sử dụng những kè cứng (đá, thép, xi măng), Hội An nên tính đến ý tưởng “thích ứng với thiên nhiên”. Điều này đồng nghĩa với việc Hội An nên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, gần gũi với thiên nhiên và kết hợp với kỹ thuật ổn định bờ phù hợp với điều kiện thực tế cũng như không gian thực tế để xây dựng kè. Ngoài ra, khi tiến hành đưa ra các phương án bảo vệ bờ biển, Hội An cũng phải hiểu hơn thiên nhiên và ứng xử phù hợp hơn với con nước tại đây để có giải pháp phù hợp; phải tiếp tục nghiên cứu tổng thể và có những đánh giá đầy đủ về sông và dòng chảy; phải thường xuyên quan trắc để đưa ra giải pháp mang tính bền vững, lâu dài, thuận theo tự nhiên chứ không hành động ngược lại với tự nhiên”- TS Ngô Anh Đào đề xuất.
Theo TS Ngô Anh Đào, khu vực biển Hội An và lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn có một đới bờ và địa hình độc đáo, cần được bảo vệ. |
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Thế Hùng (Khoa Thủy lợi, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) thì cho rằng, giải pháp hiện nay là phải chỉnh trị đồng bộ, khép kín, chỗ nào gia cố chưa đủ độ bền vững thì tiến hành gia cố lại để sóng biển tấn vào bất kỳ hướng nào cũng không bị ảnh hưởng.
Đồng tình với ý kiến của GS.TS Nguyễn Thế Hùng, ông Nguyễn Văn Vỹ - Chi cục Trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai Miền Trung và Tây nguyên cho rằng, trước mắt UBND TP Hội An tiếp tục triển khai giải pháp khẩn cấp chờ đến khi triển khai hệ thống kè, xây dựng hệ thống camera giám sat ven bờ, đo đạc kỹ thuật; lấy khoảng 4 triệu m2 khối cát ở khu vực khác để đổ vào khu vực đang mất cát tại bờ biển Hội An.
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thông tin về một số dự án mà dự kiến trong thời gian tới tỉnh Quảng Nam sẽ triển khai nhằm bảo vệ bờ biển Hội An. Trong đó theo đồng chí, tỉnh sẽ thi công kè đá chắn sóng cách xa bờ biển khoảng 250m; đồng thời cũng sẽ triển khai một dự án khác nối kè đá chắn sóng này dài hơn 1km, với khoảng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Dự kiểm sẽ thi công trong quý 1/2021.
Cùng với đó, đồng chí Hồ Quang Bửu cũng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã cam kết cho phép Quảng Nam sử dụng bãi thải của dự án nạo hút khơi thông Cửa Đại để đổ vào các khu vực đang bị thiếu hụt cát tại bờ biển Hội An. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ triển khai một dự án khác nhằm chỉnh trị dòng chảy của sông (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng) từ khu vực kè Cửa Đại về cửa sông Thu Bồn. Dự án này sẽ triển khai trong năm 2022.
Với những vấn đề mà Hội thảo quan tâm, đồng chí Hồ Quang Bứu cho biết, UBND tỉnh cũng đang rất quan tâm và thống nhất chủ trương chung là phải tiến hành đồng bộ, tổng thể (cả kè cứng lẫn kè mềm), không thể làm theo kiểu “răng cưa” như lâu nay; đồng thời cả tỉnh, TP, doanh nghiệp và người dân cùng làm; phải có giải pháp phù hợp và cần có đánh giá kịp thời, không để kéo dài thêm. “Tỉnh sẽ luôn ủng hộ để Hội An tập trung đầu tư xây dựng bờ kè để cứu lấy bờ biển Hội An”- đồng chí Hồ Quang Bửu cho biết thêm.
Sẽ tiến hành đồng bộ, tổng thể
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự và khẳng định vai trò và tầm quan trọng mà biển Hội An đang có. Đồng chí khẳng định: “Bờ biển Hội An với các bãi tắm công cộng vốn từng nổi tiếng trên thế giới – là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quan trọng gắn với phát triển kinh tế của TP Hội An, của tỉnh Quảng Nam, nhất là kinh tế Du lịch. Vì vậy, nếu không có bờ biển, Hội An xem như mất nguồn tài nguyên quí giá và sẽ khó duy trì được du lịch một cách bền vững”.
Tuy nhiên theo đồng chí Nguyễn Văn Sơn, thực tế thời gian qua, hơn 7km bờ biển Hội An đang đối mặt sạt lở và biển xâm thực ngày càng mạnh. Đến nay, chỉ sau 7 năm (2013-2020), toàn bộ bờ biển Hội An với hơn 7km đều bị sạt lở một cách nghiêm trọng; bãi tắm biển Cửa Đại đã không còn, bãi tắm biển An Bàng, Tân Thành nguy cơ sẽ mất chỉ trong 1-2 năm nữa.
Trước tình trạng sạt lở này, thời gian qua chính quyền TP Hội An và tỉnh Quảng Nam đã triển khai các giải pháp cả tạm thời lẫn kiên cố. Các giải pháp này có tác dụng nhất định trong bảo vệ bờ biển và các công trình nhà cửa, đường xá....
Đặc biệt, giải pháp kè mái nghiêng bằng cấu kiện bê tông hoặc cừ bê tông, chân khay bằng ống buy, gia cố đá hộc chân từ 2014 cơ bản ổn định, bảo vệ tạm thời được bờ lâu hơn. Trong khi đó, các giải pháp khác đều bị hư hỏng, sụt lún và biển vẫn xâm thực mạnh phía trong theo mức độ thiên tai hàng năm.
“Do chưa có giải pháp tổng thể, kinh phí hạn hẹp, dẫn đến thực hiện quá nhiều giải pháp, đầu tư mang tính chắp vá, thử nghiệm, tạo sự không đồng bộ cả về giải pháp và cả về toàn bộ bờ biển, dẫn đến tốc độ sạt lở ngày càng lan nhanh về phía Tây Bắc, đồng thời ăn sâu hơn vào đất liền, nhất là những khu vực chưa được kè bảo vệ. Những đánh giá tại Hội thảo lần này sẽ là cơ sở để TP Hội An và tỉnh Quảng Nam tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm để có biện pháp kè hiệu quả, hợp lý hơn trong thời gian đến”- Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết thêm.
Tại Hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến về các giải pháp kè chống sạt lở bờ biển Hội An. Tuy nhiên điểm chung ở các ý kiến là thống nhất phương án đồng bộ và tổng thể, tránh cách làm chắp vá, "răng cưa" như thời gian qua. |
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Sơn cũng thông tin, thời gian tới việc tiến hành kè giữ bờ biển Hội An phải được tiến hành đồng bộ (cả phương án kè mềm và kè cứng). Đồng thời, sẽ tiếp thu các ý kiến đề xuất là tiếp tục nghiên cứu tổng thể, đánh giá đầy đủ về dòng chảy, quan trắc thường xuyên để đưa ra giải pháp mang tính bền vững, lâu dài.
Trong thời gian chờ giải pháp tổng thể và các điều kiện nguồn lực để thực hiện, trước mắt cần có giải pháp để can thiệp, chí ít là giữ được bờ biển. Phải rút kinh nghiệm để tiếp tục đầu tư kè cứng (kè phá sóng) 1 số đoạn; mời tư vấn có năng lực nghiên cứu giúp đỡ, xác định đường bờ để đầu tư đồng bộ. Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng thực hiện; phải tiến hành đồng bộ và bảo đảm mỹ quan, kỹ thuật bờ biển du lịch; có thể mời các nhóm hoặc tổ chức cuộc thi đề xuất ý tưởng kè vừa mỹ quan, vừa bền vững và chi phí hợp lý. Sẽ phải tiếp tục biện pháp chống đỡ ở những khu vực chưa sạt lở nghiêm trọng. Phải làm ngay bây giờ, không để tình trạng sạt lở tiếp tục diễn ra mạnh thêm.
TP sẽ hợp đồng các đơn vị tư vấn các giải pháp từ tổng thể đến từng loại kè, tích cực tranh thủ tỉnh hỗ trợ và triển khai các dự án có liên quan. Đẩy mạnh nạo vét Cửa Đại, lấy nguồn cát đưa vào bờ bổ sung khu vực thiếu hụt cát; cần thiết sẽ nghiên cứu kỹ và đề xuất giải pháp hút cát ở bãi Khủng Long mới hình thành gần đây để trả cát về nơi sạt lở./.