Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Học viện Tài chính: Đặt chất lượng là nhân tố hàng đầu

Thứ Sáu, 01/09/2017 17:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Năm 2017 đánh dấu nhiều thành công với Học viện Tài chính, được trang web nổi tiếng Webometrics đánh giá là 1 trong 30 trường Đại học hàng đầu Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện Tài chính (Ảnh: HS)


Nhân dịp năm học mới, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện Tài chính về những đường hướng phát triển của Nhà trường trong thời gian tới.

 

Phóng viên (PV): Thưa ông, năm 2017 có thể gọi là năm thành công của Học viện Tài chính khi Học viện liên tiếp được các hiệp hội, trang web nổi tiếng thế giới đánh giá xếp hạng hàng đầu về chất lượng đào tạo. Để có được những thành tích đó, Học viện đã có những đổi mới, sáng tạo như thế nào thưa ông?

 

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ: Năm 2017, Học viện Tài chính vinh dự là một trong 4 trường ĐH đầu tiên do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) của Hiệp hội triển khai KĐCL, và cũng là cơ sở giáo dục có tỷ lệ các tiêu chí đạt cao nhất so với 4 trường được Trung tâm KĐCLGD đánh giá; đồng thời, cũng là trường đứng tốp đầu trong các trường ĐH đã được công nhận đạt tiêu chuẩn CLGD do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.

 

Đặc biệt, mới đây trang web nổi tiếng Webometrics cũng đã chính thức công bố Top 30 trường đại học tốt nhất tại Việt Nam năm 2017. Bảng xếp hạng được đánh giá theo các tiêu chí như: điểm tuyển sinh đầu vào, khả năng xin việc khi ra trường, tỷ lệ học sinh đi du học, chất lượng giảng viên, số lượng các bài báo khoa học được công bố, nguồn lực, chất lượng học thuật, môi trường đào tạo. Theo đó, Học viện Tài chính là trường được vinh danh xếp hạng trong danh sách này.

 

Dù còn nhiều khó khăn nhưng Học viện luôn nỗ lực, đặc biệt luôn đặt chất lượng là nhân tố hàng đầu. Trong đó, để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, Học viện đã quyết định thành lập Ban Khảo thí và Quản lý chất lượng ngay từ năm 2006. Học viện cũng đã thành lập Hội đồng tự đánh giá và triển khai công tác tự đánh giá theo quy định của Luật Giáo dục và sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

 

Không dừng lại ở đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, trong thời gian tới, Học viện Tài chính sẽ tiếp tục cải tiến công tác quản lý chất lượng giáo dục, tiến hành đăng ký kiểm định chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế nhằm khẳng định vị thế của Học viện không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Trong đó, đẩy mạnh việc công nhận bằng cấp của Học viện trong khuôn khổ Chương trình liên kết đào tạo cùng một lúc cấp 2 bằng đại học hướng tới kiểm định chất lượng quốc tế...

 

PV: Thưa ông, năm nay có không ít trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, tuy nhiên Học viện Tài chính giữ vị trí thứ 7/10 trường đại học toàn quốc về số nguyện vọng thí sinh đăng ký cao nhất. Xin ông cho biết cụ thể hơn về kết quả quan trọng này?

 

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ: Năm 2017, Học viện Tài chính tuyển hơn 4.000 sinh viên hệ chính quy tập trung cho 3 chương trình mũi nhọn: Chương trình chuẩn (3.950 chỉ tiêu); Chương trình Chất lượng cao (300 chỉ tiêu); và Chương trình DDP (Dual Degree Programme) cấp 2 bằng đại học (120 chỉ tiêu).

 

Với mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu được Bộ GD&ĐT giao với chất lượng thí sinh trúng tuyển cao nhất, Học viện Tài chính thực hiện tuyển sinh theo 2 phương thức: Xét tuyển thẳng học sinh giỏi (một nửa chỉ tiêu) và xét tuyển dựa theo kết quả thi THPT quốc gia (gọi tắt là xét theo điểm thi). Bên cạnh đó để giúp giải đáp kịp thời những thắc mắc về nguyện vọng, ngành học Học viện tiến hành tư vấn tuyển sinh thông qua hotline cũng như tư vấn trực tiếp online.

 

Công tác tuyển sinh thực hiện bằng nhiều hình thức cộng với danh tiếng, chất lượng đào tạo tốt nên kết thúc mùa tuyển sinh năm 2017, Học viện Tài chính đã có hơn 46.000 nguyện vọng đăng ký. Và là trường đứng thứ 7/10 trường đại học toàn quốc về số nguyện vọng thí sinh đăng ký cao nhất. Nằm trong tốp 3 trường đào tạo kinh tế uy tín nhất Việt Nam với mức điểm chuẩn đầu vào đối với ngành cao nhất là 25 điểm, ngành có mức điểm chuẩn đầu vào thấp nhất cũng là 22,5 điểm và đạt tỷ lệ nhập học trên tổng số thí sinh trúng tuyển cao nhất xét theo khối ngành kinh tế của các trường đại học trên cả nước; đứng vị trí 30 trường/100 trường có tỷ lệ nhập học cao nhất năm 2017, sau các trường công an, quân đội.

 

PV: Thưa ông, học đại học tại Việt Nam nhưng sở hữu liền một lúc 2 tấm bằng đại học là mô hình đang rất được phụ huynh và thí sinh quan tâm. Được biết, Học viện Tài chính đang triển khai mô hình này, ông có thể chia sẻ rõ hơn về mô hình liên kết đặc biệt này?

 

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ: Thực tế cho thấy, “sân chơi" của tài chính, ngân hàng, kế toán, cả hiện nay cũng như sau này luôn luôn rộng lớn. Hơn thế nữa, kế toán còn là một trong 8 lĩnh vực được “tự do di chuyển” trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Nắm bắt được xu thế đó, Học viện Tài chính và Trường Đại học Greenwich (UK) cùng xây dựng một chương trình liên kết đào tạo cử nhân tài chính – kế toán – ngân hàng tiêu chuẩn cao, chất lượng quốc tế, hệ chính quy, 4 năm, 2 bằng đại học.

 

Hai bên cùng phối hợp xây dựng chương trình, thực hiện đào tạo, cùng quản lý, đánh giá chất lượng và cuối khóa, mỗi bên sẽ cấp một bằng đại học chính quy của trường mình cho các sinh viên tốt nghiệp (tên tiếng Anh là Dual Degree Programme – viết tắt là DDP).

 

Sinh viên theo học chương trình này, khi tốt nghiệp sẽ được Học viện Tài chính cấp bằng cử nhân ngành tài chính - ngân hàng (chính quy) và được Trường Đại học Greenwich (UK) cấp Bachelor of Arts in Accounting & Finance - cử nhân tài chính kế toán, cũng là bằng chính quy (full time). Bên cạnh đó, chương trình còn được Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) công nhận và cấp chứng chỉ miễn thi toàn bộ 9 môn F (F1-F9) trong hệ thống đào tạo nghề kế toán, kiểm toán của ACCA global.

 

Đặc biệt, về tiếng Anh, trình độ tiếng Anh của sinh viên khi ra trường sẽ đạt tối thiểu từ 6.0 IELTS trở lên, họ sẽ luôn tự tin giao tiếp và làm việc trong các môi trường quốc tế với các đồng nghiệp quốc tế. Những điều này đảm bảo cho sinh viên DDP khi ra trường là chắc chắn được tuyển dụng ngay, thậm chí còn được tuyển dụng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

 

PV: Thưa ông, năm học mới đã sắp bắt đầu, vậy năm nay Học viện Tài chính có những giải pháp nào trong giảng dạy và đào tạo?

 

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ: Đến thời điểm này toàn trường đã hoàn tất các công việc và sẵn sàng bước vào năm học mới. Với lượng thí sinh đầu vào khá đông, chất lượng khá năm học này hứa hẹn là năm học hiệu quả. Chính vì vậy, về phía nhà trường sẽ có những chuyển đổi nhanh chóng hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, tiếp tục đáp ứng nguồn nhu cầu nhân lực về  tài chính - kế toán cho cả nước. Theo đó nội dung, giáo trình, bài giảng được đổi mới, cập nhật nhằm phù hợp với yêu cầu giảng dạy, học tập. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính, Học viện đang từng bước cải thiện nâng cấp, mở rộng các giảng đường, thư viện, trang thiết bị giảng dạy, xây dựng những giảng đường đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế để đào tạo những sinh viên tầm cỡ quốc tế. Cùng với đó, Học viện cũng chú trọng chăm lo xây dựng tập thể cán bộ, viên chức đoàn kết, năng động, sáng tạo hơn nữa.

 

Với sự quan tâm của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, với tinh thần đoàn kết của tập thể lãnh đạo, của tập thể cán bộ viên chức Học viện Tài chính tôi tin tưởng rằng năm học 2017-2018 sẽ tiếp tục đạt được những phát triển mới, từng bước nâng cao giá trị “thương hiệu” của mình, ngày càng khẳng định là trung tâm đào tạo nghiên cứu chất lượng cao về tài chính kế toán trong nước và cả khu vực.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Kim Thanh- Hồng Sâm

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN