Học sinh miền Nam trên đất Bắc thực hiện Di chúc Bác Hồ
(ĐCSVN) – Thực hiện lời căn dặn của Bác, các thế hệ học sinh miền Nam được đưa ra Bắc học tập đã nỗ lực rèn luyện không ngừng. Rất nhiều người đã trở thành những chiến sĩ cách mạng trung kiên, những nhà lãnh đạo tài năng, những giáo sư, kỹ sư, bác sĩ…, có những cống hiến lớn lao trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng đất nước sau giải phóng và hiện vẫn đang đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước.
Cách đây 70 năm, năm 1954, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, hơn 3 vạn thiếu nhi, học sinh là con em cán bộ, chiến sỹ miền Nam được đưa ra Bắc để chăm sóc, đào tạo, sau này trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng lại miền Nam, tái thiết đất nước. Theo đó, trong giai đoạn 1954 đến 1955, khoảng 20.000 thiếu nhi được đưa ra Bắc. Giai đoạn 1965 - 1975, có thêm 10.000 con em liệt sĩ miền Nam vượt Trường Sơn theo đường giao liên, quân sự ra Bắc. Tổng cộng, từ năm 1954 đến năm 1975 có hơn 32.000 học sinh miền Nam ra Bắc học tập.
Các thiếu nhi được ra miền Bắc được nuôi dạy ở 28 trường học, được nhận sự chăm sóc đặc biệt và chế độ học tập tốt nhất thời bấy giờ. Trong số đó, gần 2.000 học sinh được cử đi học tập trung ở các trường ở Quế Lâm (Trung Quốc), Liên Xô, Đức.
Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, 55 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện Di chúc Bác Hồ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia sáng ngày 26/10. |
Trong thời gian học tập tại miền Bắc, có nhiều học sinh miền Nam được gặp Bác Hồ, được Người dặn dò về việc học tập, rèn luyện và tinh thần đoàn kết đoàn kết vùng miền, đoàn kết với thiếu nhi và đồng bào miền Bắc. Từ đó, họ đã luôn nỗ lực rèn luyện phẩm chất chính trị để phát huy cao nhất truyền thống cách mạng của quê hương; phấn đấu học đi đôi với hành thành người có ích góp phần bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Từ năm 1964, khi Mỹ đổ quân vào miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, hàng trăm học sinh miền Nam vừa tốt nghiệp cấp 3 đã lên đường vào Nam chiến đấu. Vài năm sau đó, hàng ngàn học sinh miền Nam tốt nghiệp đại học, nhất là các ngành y dược, sư phạm, thông tin liên lạc tiếp tục trở về miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Rất nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ mãi mãi là những tấm gương cho thế hệ trẻ cả nước, đặc biệt là cho học sinh miền Nam noi theo. Những học sinh miền Nam ở lại miền Bắc hoặc tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về tiếp tục vào bộ đội, công an và các ngành thiết yếu, tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh để chi viện cho miền Nam.
Năm 1975, khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đa số học sinh miền Nam đã trưởng thành trở về miền Nam, tham gia tiếp quản và xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, trở thành một đội ngũ cán bộ chủ chốt hoạt động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục và đào tạo.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, các thế hệ học sinh miền Nam tiếp tục nỗ lực, tận tụy và sáng tạo trong nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước. Nhiều đồng chí trở thành nhà khoa học, nhà giáo, văn nghệ sỹ nổi tiếng, nhiều doanh nhân thành đạt, các tướng lĩnh trong Quân đội, Công an... Đặc biệt, nhiều đồng chí trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc tại Lễ kỷ niệm. |
Học sinh miền Nam trên đất Bắc – những người được ươm mầm, đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, được đùm bọc bởi sự yêu thương, đùm bọc của đồng chí đồng bào, đã tiếp tục mang nhiệt tình cách mạng và trí tuệ đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt ở thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, rất nhiều những hạt giống đỏ học sinh miền Nam đã khẳng định tên tuổi của mình trên mặt trận phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước và hiện vẫn đang đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước.
Cố GS.TS Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân, nguyên Trưởng ban liên lạc học sinh miền Nam trên đất Bắc đã từng khẳng định: "Các thế hệ học sinh miền Nam dù ở đâu, trên cương vị nào cũng không bao giờ quên công ơn của Đảng, Bác Hồ, các thầy, cô, chú đã nuôi dưỡng, tình cảm của đồng bào miền Bắc dành cho các thế hệ học trò miền Nam".
Vừa qua, tại Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, 55 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện Di chúc Bác Hồ được tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh: “Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, được sự chăm sóc, sự nuôi dạy tận tình của thầy cô giáo, cùng với sự cố gắng vươn lên của bản thân mỗi học sinh miền Nam, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “mỗi người sẽ tùy theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà,” chúng ta đã đào tạo, rèn luyện được lớp người có tài năng và trí tuệ, có bản lĩnh và ý chí, có lý tưởng và hoài bão, đóng góp rất lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”./.