Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hoàng Su Phì phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP

Thứ Năm, 06/07/2023 21:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Là huyện vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh Hà Giang, do điều kiện về địa hình, Hoàng Su Phì có nhiệt độ trung bình hàng năm thấp, độ ẩm cao. Với các yếu tố nông hóa thổ nhưỡng phù hợp, Hoàng Su Phì có điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm từ nông nghiệp có chất lượng cao. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) có nguồn gốc từ cây chè Shan tuyết.

Bà con dân tộc Dao xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì thu hái chè Shan cổ thụ. Ảnh: Phạm Phú. 

Ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Trong những năm qua, các phòng ban chức năng của huyện đã khai thác tốt các lợi thế của địa phương nhằm tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Huyện đã tăng cường hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tham gia phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu. Tăng cường quản lý chất lượng của sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất đến đưa ra thị trường tiêu thụ nhằm giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương.

Theo báo cáo của UBND huyện Hoàng Su Phì, tính đến thời điểm tháng 6/2023, toàn huyện có trên 4.600  ha chè, trong đó có gần 3.600 ha cho thu hoạch và sản lượng chè búp tươi ước đạt trên 14.000 tấn/năm. Chè của Hoàng Su Phì chủ yếu là chè Shan tuyết và chè Shan tuyết cổ thụ.

Trong những năm qua, sản phẩm chè của Hoàng Su Phì đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Xác định chè là cây trồng mũi nhọn, trong những năm qua, huyện đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP từ cây chè Shan tuyết. Đến nay, toàn huyện Hoàng Su Phì đã có 13 sản phẩm chè Shan tuyết được chứng nhận OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia là Hồng trà hộp 100 gam và Trà xanh hộp 100 gam.

Với lợi thế đặc thù về tiểu vùng khí hậu và nông hóa thổ nhưỡng, trong những năm qua, cây chè Shan tuyết đã trở thành cây trồng mũi nhọn và là thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đó cũng chính là lợi thế để huyện đa dạng hóa các sản phẩm chè, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap và phát triển thành các sản phẩm OCOP. Tính đến thời điểm tháng 6/2023, toàn huyện Hoàng Su Phì đã có 13 sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ được chứng nhận sản phẩm OCOP, chiếm gần 60% các sản phẩm OCOP của huyện. Bên cạnh đó, chương trình OCOP đã tạo hướng đi mới hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè Shan tuyết, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trước đây. Cụ thể các sản phẩm chè của huyện hiện có giá từ 150.000 đồng - 12,5 triệu đồng/kg, góp phần quan trong trong phát triển kinh tế của địa phương.

Ngoài cây chè Shan tuyết, Hoàng Su Phì đang tập trung phát triển các sản phẩm OCOP từ lợi thế của địa phương như: Gạo đặc sản chất lượng cao, mận Máu, tinh dầu một số loài cây dược liệu, đồ thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm du lịch. Đến nay, toàn huyện có 25 sản phẩm OCOP của 11 chủ thể; trong đó có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Trong quá trình thực hiện, các chủ thể của sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP để duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, đúng với qui trình sản xuất đã được công bố.

Bên cạnh đó, để thực hiện chương trình OCOP, huyện đã xây dựng hệ thống quản lý bằng việc thành lập ban điều hành, qui chế hoạt động của Ban điều hành đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tổ chức các đợt tập huấn, tư vấn, tuyên truyền, triển khai đề án tới các HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và người dân. Tổ chức các đợt phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện trước khi gửi hồ sơ sản phẩm trình cấp tỉnh đánh giá, phân hạng theo qui trình. Đặc biệt, Hoàng Su Phì là huyện duy nhất của tỉnh có 2 sản phẩm OCOP chè Shan tuyết đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia.

Trà xanh hộp 100 gam và Hồng trà hộp 100 gam của Hoàng Su Phì đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia. Ảnh: Phạm Phú.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP của huyện cũng tồn tại một số mặt còn hạn chế như: Một số chủ thể đăng ký sản phẩm nhưng chưa nỗ lực trong quá trình phát triển sản phẩm để tổ chức thi đánh giá và phân hạng sản phẩm. Các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao và 5 sao cấp huyện chỉ được nhận cùng một mức hỗ trợ nên không tạo được động lực khuyến khích các chủ thể nỗ lực nâng cao chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, việc qui hoạch vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm OCOP chưa được quan tâm đầu tư một cách đồng bộ, chưa có sự kết nối đồng bộ giữa các chương trình, dự án với đề án OCOP./.

Phạm Văn Phú

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN