Hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
(ĐCSVN) – Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, hiện nay Việt Nam đang tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia, đặc biệt là các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển công nghệ và thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ mới, sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới.
Hội thảo "Thúc đẩy hợp tác công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Australia". (Ảnh: Bích Liên) |
Ngày 1/11, tại Hà Nội, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Đại học Công nghệ Sydney (UTS) tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy hợp tác công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Australia".
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đóng vai trò, sứ mệnh đặc biệt quan trọng, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định phát triển KH,CN&ĐMST và nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá chiến lược.
Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030, trong đó khẳng định phát triển KH,CN&ĐMST là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Thời gian qua, Việt Nam đã tập trung xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật về KH,CN&ĐMST nhằm hoàn thiện môi trường thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH,CN&ĐMST. Tiềm lực KH&CN đã được cải thiện cả về số lượng tổ chức KH&CN, nhân lực và nguồn lực đầu tư cho KH&CN, trong đó tỷ trọng đầu tư từ khu vực doanh nghiệp ngày càng tăng; doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia, viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.
Các điều kiện khung cho phát triển hệ thống ĐMST quốc gia đã được hình thành, bao gồm hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng như: Các chính sách về đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, đổi mới hoạt động KH,CN&ĐMST, phát triển các quỹ hỗ trợ và phát triển KH,CN&ĐMST, tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh và đào tạo, hình thành các trung tâm ĐMST ở cấp quốc gia và địa phương...
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) ngày càng phát triển mạnh mẽ, năng động, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và tiếp cận thị trường toàn cầu. Kết quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được khẳng định thông qua Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024 cho thấy Việt Nam tiếp tục tăng 2 bậc so với năm 2023, xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế. Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển.
Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay Việt Nam đang tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia, đặc biệt là các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển công nghệ và thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ mới, sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam xác định ĐMST là một trụ cột mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, góp phần tăng cường quan hệ song phương. Quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Australia nói chung và quan hệ hợp tác về KH,CN&ĐMST Việt Nam - Australia nói riêng trong thời gian qua đã và đang phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam và Australia đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào đầu năm 2024 mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho hai nước. Do vậy, sự kiện hôm nay có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa các định hướng hợp tác giữa hai nước, thúc đẩy kết nối giữa các cơ quan, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết nhiều vấn đề thách thức hiện nay trên toàn cầu như: Ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, phát triển xanh dựa trên KH,CN&ĐMST.
Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học của hai nước nhằm thảo luận về các chủ đề quan trọng trong hợp tác KH,CN&ĐMST như: Hạ tầng công nghệ trong đô thị thông minh, kinh tế tuần hoàn và công nghệ xanh, cũng như những thách thức liên quan đến quản lý tài nguyên nước và phát triển bền vững. Các chủ đề này không chỉ có giá trị đối với sự phát triển của Việt Nam mà còn thúc đẩy việc thực thi các cam kết quốc tế về giảm phát thải ròng và phát triển bao trùm của hai quốc gia.
Trong 02 ngày (1-2/11) diễn ra sự kiện, các phiên thảo luận và buổi gặp gỡ sẽ khơi dậy, tạo ra những ý tưởng mới, giải pháp sáng tạo đối với các chủ đề về KH,CN&ĐMST và đặc biệt là tạo dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị và cá nhân tham dự.
Bộ Khoa học và Cộng nghệ Việt Nam sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của cộng đông nhà khoa học, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các đối tác quốc tế trong các hoạt động KH, CN&ĐMST.
Đồng thời, Bộ cũng hoan nghênh sự tham gia ủng hộ, hợp tác của các đối tác quốc tế, trong đó có vai trò quan trọng của các đại học uy tín trên thế giới, trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ĐMST để thúc đẩy phát triển hệ thống ĐMST quốc gia tại Việt Nam./.