Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hòa Bình tích cực thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững

Thứ Sáu, 01/09/2023 11:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hạ tầng KT-XH huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được đầu tư; hàng trăm lớp đào tạo nghề cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tổ chức; các mô hình giảm nghèo, đa dạng hoá sinh kế cùng nhiều hình thức tư vấn, hướng nghiệp, kết nối lao động, việc làm cho người lao động được thực hiện… Những giải pháp tích cực thực hiện chính sách tạo dấu ấn rõ nét Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (GNBV) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Được xem là 1 trong 3 trụ cột GNBV, cùng với mục tiêu của chương trình, tỉnh chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng để có việc làm hoặc tự tạo việc làm ổn định, chủ động vươn lên thoát nghèo. Công tác này phát triển cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống ở huyện, xã nghèo, gắn kết chặt chẽ với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông qua những thay đổi trong tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thoả đáng, bền vững đã giải quyết một cách căn cơ các vấn đề thiếu hụt khác, như thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao hiệu quả GNBV.

Qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh chiếm 26,14%, gồm 34.029 hộ nghèo, chiếm 15,49%; 22.388 hộ cận nghèo, chiếm 10,65% số hộ toàn tỉnh. Đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh là 22,32%, gồm 27.091 hộ nghèo, chiếm 12,29%; 22.114 hộ cận nghèo, chiếm 10,03% số hộ toàn tỉnh. Qua đo lường về mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, toàn tỉnh còn trên 18.800 hộ nghèo thiếu hụt chiều việc làm; trên 19.000 hộ nghèo thiếu hụt chiều y tế; 4.130 hộ nghèo thiếu hụt về giáo dục; gần 19.700 hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở; trên 18.500 hộ nghèo thiếu hụt về nước sạch và vệ sinh môi trường; gần 11.000 hộ nghèo thiếu hụt về tiếp cận thông tin. Việc rà soát, thống kê, đo lường mức độ thiếu hụt nhằm triển khai thực hiện chính sách sát và phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Cơ sở thêu ren của bà Bùi Thị Lòn tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động nông thôn xã Sào Báy (Kim Bôi). 

Các dự án, chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ, phù hợp từng nhóm đối tượng, các nguồn lực được tăng cường lồng ghép từ ngân sách, cộng đồng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đến hết tháng 6/2023, dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng KT-XH huyện nghèo Đà Bắc tiếp tục được nỗ lực thực hiện, 6 công trình đã hoàn thành, 25 công trình đang thi công, hiện tiến hành giải ngân khoảng 40% tổng nguồn vốn. Bên cạnh các dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất đang triển khai bước đầu, tỉnh tập trung cho dự án phát triển giáo dục, việc làm bền vững. Đối với phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, đã thực hiện dự án xây dựng khu liên hợp cơ sở thực hành và ký túc xá học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Hoà Bình và dự án mở rộng trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Hoà Bình; nghiên cứu mô hình khởi nghiệp hiệu quả trong học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phát triển chương trình, học liệu và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm lưu động và tư vấn, giới thiệu việc làm; triển khai chương trình hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hoá thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu của 10 huyện, thành phố. 

Nông dân xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) phát triển mô hình chăn nuôi gà đồi cho thu nhập cao. 

Đồng chí Đới Văn Chinh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: Chương trình được tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chính sách, giúp hộ nghèo có ý thức vươn lên, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, GNBV. Mặt khác, hoạt động về giảm nghèo, các chế độ, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay, kiến thức khoa học kỹ thuật, mô hình giảm nghèo hiệu quả được phổ biến nhân rộng. Kết quả giảm nghèo năm 2021 của tỉnh giảm 2,36%, năm 2022 giảm 3,2%, đạt chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh giao. Công tác GNBV đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện; văn hoá, GD-ĐT, y tế, khoa học - công nghệ, lao động, việc làm được chú trọng; quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định.

 

T.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN