Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hòa Bình: Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 04/12/2023 22:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Hòa Bình luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo sát sao của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh và sự tham gia phối hợp trách nhiệm, khẩn trương của cấp ủy, chính quyền cùng các sở, ban, ngành góp phần trển khai các nhiệm vụ trong thực hiện bình đẳng giới, giái quyết các vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đại biểu hội viên, phụ nữ đặt câu hỏi, đề xuất, ý kiến tại Hội nghị đối thoại chính sách về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới 

Liên quan tới chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 02-KH/ĐĐPN ngày 6/12/2021 về triển khai Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gia đoạn 2021-2030 trong các cấp Hội đồng thời chỉ đạo Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tham mưu, xây dựng các văn bản hướng dẫn kế hoạch triển khai cụ thể trong thực tế, đặc biệt tại 8 xã thuộc 4 huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Yên Thủy, Lạc Sơn.

Trong quá trình triển khai thực tế, Hội LHPN tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất nội dung trong thúc đẩy bình đẳng giới, tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cũng như giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tại địa bàn.

Theo đó, tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại; xây dựng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới; đảm bảo tiếng nói của phụ nữ và sự tham gia thực chất của chị em phụ nữ trong cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng…

Cụ thể, các cấp Hội LHPN của tỉnh Hòa Bình đã chủ động khảo sát, làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương và thành lập tổ truyền thông cộng đồng với sự tham gia của các thành viên là những người có uy tín, có năng lực truyền thông trên địa bàn thôn, xóm, bản; mỗi tổ đều có sự tham gia của cả nam lẫn nữ. Kết quả, tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh đã thành lập được 185 tổ truyền thông cộng đồng với 8 tổ cấp tỉnh và 177 tổ cấp huyện, thành phố. Hội LHPN tỉnh cũng tổ chức 16 lớp tập huấn, hướng dẫn thành lập và vận hành cho 960 người là đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan về thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi; tổ chức bàn giao trang thiết bị (loa kéo trị giá 3 triệu đồng/loa) cho 8 tổ truyền thông cộng đồng tại các huyện: Yên Thủy, Cao Phong, Lạc Sơn và Đà Bắc.

Hội LHPN tỉnh còn tổ chức 12 lớp tập huấn, hướng dẫn thành lập, vận hành mô hình về bình đẳng giới cho 720 người liên quan tới mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”. Toàn tỉnh đã có 65 địa chỉ tin cậy trong đó 6 địa chỉ cấp tỉnh và 59 địa chỉ cấp huyện. Hội cũng bàn giao trang thiết bị gồm giường, tủ, bàn ghế, tủ thuốc, chăn đệm, ấm đun nước… trị giá 15 triệu đồng/mô hình tại 3 huyện: Yên Thủy, Cao Phong, Đà Bắc.

Liên quan tới nội dung đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong cộng đồng, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức 8 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập đồng thời hướng dẫn vận hành mô hình cho 480 người; tính đến nay đã thành lập 74 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với 4 câu lạc bộ cấp tỉnh và 70 câu lạc bộ cấp huyện.

Theo bà Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hòa Bình, từ những kết quả ban đầu trong triển khai thực tế tại địa phương, tới đây, Hội sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm và tập trung để nâng cao hiệu quả hơn nữa, trong đó chú trọng tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thống, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp đến địa phương; đẩy mạnh triển khai các mô hình hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện ở các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phụ nữ trẻ em thuộc khung khổ chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi./.

DT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN