Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị

Thứ Bảy, 27/07/2024 14:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hội thảo "Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị” làm cơ sở cho việc đưa ra các kiến nghị, đề xuất và các giải pháp nâng cao vai trò của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tuyên truyền, hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị.

Ngày 26/7, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị”.

Hội thảo làm cơ sở cho việc đưa ra các kiến nghị, đề xuất và các giải pháp nhằm nâng cao vai trò của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tuyên truyền, hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị.

 Ông Nguyễn Văn Lượng - Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân TP. Hồ Chí Minh phát biểu. Ảnh: Quang Sung

Báo cáo tham luận về “Kết quả thực hiện mô hình sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp tiêu biểu vừa khai thác giá trị nông nghiệp, vừa khai thác giá trị du lịch, môi trường và các giá trị khác”, đồng chí Nguyễn Văn Lượng - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh mở rộng nhiều mô hình tích hợp đa giá trị như: mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sử dụng hoàn lưu thủy canh trong sản xuất rau của các Hợp tác xã Tuấn Ngọc, Phước An, Phước Lộc; mô hình du lịch nông thôn gắn với các làng nghề truyền thống Bánh tráng xã Phú Hòa Đông - huyện Củ Chi, làng nghề xe nhang xã Lê Minh Xuân - huyện Bình Chánh, làng nghề mai vàng Bình Lợi huyện Bình Chánh; mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lich sinh thái của các xã trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn; mô hình du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục nghề nghiệp; mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lich lịch sử; mô hình đa giá trị (sản xuất, chế biến, thương mại và du lịch)…

Đồng chí Nguyễn Văn Lượng cho rằng, để gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, việc kết hợp đa dạng các loại hình kinh tế gắn với sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết và cần có sự vào cuộc từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, phải có sự quyết tâm đổi mới, sáng tạo của người nông dân để có nền nông nghiệp xanh, sạch, đẹp và hiệu quả. Đưa hoạt động du lịch nông thôn trở thành một phần của cộng đồng, yêu cầu sự kết nối giữa những ngôi nhà trong cùng một làng, kết nối giữa thiên nhiên và cảnh quan vùng nông nghiệp. Du khách không chỉ đến nông thôn để trải nghiệm không gian đẹp, mà còn để thấu hiểu nhịp sống làng quê mang đặc trưng riêng từng vùng. Nếu biết tận dụng tài nguyên tự nhiên, tạo ra những trải nghiệm độc đáo, sẽ tạo ra nguồn tài nguyên du lịch thực sự một cách rẻ nhất, khôn ngoan nhất.

Báo cáo tham luận về Thực trạng phát triển sản xuất nông nghiệp của TP. Hồ Chí Minh - Cơ hội và thách thức đối với phát triển sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị, đồng chí Phan Trương Tân - Phó Trưởng Phòng chính sách phát triển Liên minh hợp tác xã TP. Hồ Chí Minh cho rằng, so với các thành phần kinh tế khác, nguồn nhân lực hợp tác xã nông nghiêp còn hạn chế về trình độ chuyên môn. Dù có kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất giỏi nhưng lại yếu về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành; thiếu nhân lực có tâm huyết đối với hoạt động của hợp tác xã nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư liên kết vào Hợp tác xã để giúp giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Điều này làm cho việc ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại của các Hợp tác xã vào quá trình sản xuất, kinh doanh vẫn còn hạn chế.

Vì vậy hợp tác xã, tổ hợp tác cần tạo điều kiện cho các thành viên tiếp cận với công nghệ tiên tiến và học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh, thành phố khác, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, hỗ trợ nông dân tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; tạo việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó góp phần xây dựng và phát triển cộng đồng, tạo sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên.

Đưa ra giải pháp của mình, đồng chí Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Phó Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: việc xây dựng nền nông nghiệp Thành phố đa chức năng, không chỉ đóng góp cho ngân sách, đảm bảo an ninh lương thực của Thành phố mà còn có vai trò tạo cảnh quan, cải thiện đa dạng sinh học, cải thiện sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để xây dựng thành công vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết sản xuất - tiêu thụ và có các biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả; xây dựng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị bền vững./.

CM

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN