Hỗ trợ ĐHQG-HCM thành trở trung tâm đào tạo và nghiên cứu về chuyển đổi số
(ĐCSVN) – Đó là một trong 3 kiến nghị được Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đề xuất với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông với ĐHQG-HCM vào sáng 14/9.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận những ý kiến đóng góp và cho biết sẽ luôn ủng hộ, đồng hành với ĐHQG-HCM về những vấn đề liên quan đến ngành thông tin và truyền thông. (Ảnh: ĐHQG CC) |
Công nghệ thông tin là ưu tiên hàng đầu
Tại buổi làm việc, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong 3 lĩnh vực được ưu tiên đầu tư, cả về đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Mỗi năm ĐHQG-HCM cung cấp khoảng hơn 5.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực CNTT cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Hiện nay, ĐHQG-HCM đang đào tạo 20 chuyên ngành về CNTT và các chuyên ngành liên quan. Các chương trình đào tạo đều được kiểm định ABET, CTI-ENAEE, AUN-QA và sử dụng hệ thống quản lý học tập là Moodle hoặc Blackboard. Giai đoạn 2017-2022, lĩnh vực công nghệ thông tin – viễn thông có tổng là 2.063 bài báo thuộc cơ sở dữ liệu Scopus, chiếm tỉ lệ 14,6% so với tổng số 7.334 bài báo của toàn ĐHQG-HCM.
Tuy nhiên, theo đồng chí Vũ Hải Quân, ĐHQG-HCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc đào tạo lĩnh vực CNTT. Trong đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay.
Với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là chỉ tiêu về kinh tế số; đóng góp cho việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Đại học Quốc gia TPHCM kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông 3 nội dung quan trọng.
PGS.TS Vũ Hải Quân Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: ĐHQG CC) |
Kiến nghị 3 nội dung quan trọng
Tại buổi làm việc, PGS.TS Vũ Hải Quân đã nêu 3 kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đó là: Bộ ủng hộ và kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án “Triển khai mô hình giáo dục đại học số đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số” do Đại học Quốc gia TP.HCM, ĐHQG-HN, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Bưu chính Viễn thông đề xuất.
Theo Đại học Quốc gia TPHCM, mục tiêu của đề án này là thiết kế và vận hành mô hình giáo dục đại học số trên nền tảng phối hợp hoạt động giữa các cơ sở giáo dục hướng đến tăng tối thiểu gấp đôi quy mô đào tạo nhân lực lĩnh vực Máy tính và CNTT cùng các lĩnh vực khác có liên quan thông qua quá trình chuyển đổi số đồng bộ hoạt động đào tạo, khai thác triệt để mối quan hệ hợp tác, đồng hành và đồng cam kết với các bên liên quan, đặc biệt là với các trường đại học và doanh nghiệp.
ĐHQG-HCM kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có chương trình hỗ trợ để ĐHQG-HCM trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu về chuyển đổi số của quốc gia và khu vực.
Cụ thể là hỗ trợ, đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống MOOC (Massive open online course - khóa học thông qua Internet không giới hạn số người tham dự); Hỗ trợ, đầu tư để VNU-HCM trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, an ninh mạng; Có chính sách hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư trung tâm R&D tại VNU-HCM.
Đồng thời, kiến nghị Bộ cho phép ĐHQG-HCM thành lập Cơ quan tạp chí khoa học. Cơ quan tạp chí này có thể xuất bản nhiều ấn phẩm, mỗi ấn phẩm là một tạp chí khoa học.
Theo thống kê, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Năm 2022, Việt Nam cần khoảng 530.000 nhân lực công nghệ thông tin, từ đó số lượng thiếu hụt nhân sự ngành công nghệ thông tin có thể lên đến 150.000 nhân sự.
Sự thiếu hụt nhân sự này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của sinh viên tốt nghiệp và các yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện, chỉ có 30% số sinh viên công nghệ thông tin đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của doanh nghiệp mong muốn.
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: ĐHQG CC) |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi với lãnh đạo ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên, trực thuộc về nhiều vấn đề, nhất là chiến lược chuyển đổi số quốc gia và vai trò của việc xây dựng nguồn nhân lực để phát triển lĩnh vực này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn, ghi nhận những ý kiến đóng góp và cho biết sẽ luôn ủng hộ, đồng hành với ĐHQG-HCM về những vấn đề liên quan đến ngành thông tin và truyền thông.
ĐHQG-HCM hiện đang đào tạo hơn 82.000 sinh viên đại học và hơn 8.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh; bao gồm 36 đơn vị, trong đó có 07 trường đại học thành viên đào tạo hầu hết các lĩnh vực quan trọng như: kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế - luật, khoa học sức khỏe, sư phạm, nông nghiệp.
ĐHQG-HCM thuộc top 801-1.000 các đại học tốt nhất thế giới và là đại diện duy nhất năm thứ 2 có mặt trong bảng xếp hạng 500 trường đạt tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới của QS-GER 2022. Năm 2022, theo bảng xếp hạng đại học theo lĩnh vực - World University Ranking by Subject, ĐHQG-HCM được vinh danh là một trong những đại học hàng đầu thế giới với 7 ngành học đạt vị trí cao. Trong đó, ngành Kỹ thuật Dầu khí không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn đạt top 51-100 thế giới. |