(ĐCSVN)- Dùng phương châm "Khác biệt để dẫn đầu" làm kim chỉ nam, Trường Đại học Ngoại thương luôn tạo ra sự khác biệt, tiên phong trong xây dựng, ứng dụng những chương trình, mô hình mới trong đào tạo và nghiên cứu; tiên phong trong hội nhập và quốc tế hóa giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Ngoại thương đã có những chia sẻ tâm huyết, trải lòng mình với độc giả Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh dấu ấn của đổi mới sáng tạo của Nhà trường, và cả những đau đáu, nhiệt huyết về chặng đường phát triển trong tương lai.
Ưu tiên hàng đầu là đào tạo con người-hạt nhân
đổi mới sáng tạo
PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương trả lời Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam |
PV: Trường ĐH Ngoại thương được biết đến không chỉ là nơi đào tạo nhân tài mà còn là nơi trọng dụng những tài năng, trí tuệ. Và là trường luôn nằm trong nhóm đầu các trường ĐH tại Việt Nam mà người học muốn ghi danh nhất hiện nay. Xin ông có thể chia sẻ vì sao Trường duy trì được “sức hút” đến vậy?
Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn: Trường ĐH Ngoại thương xác định mục tiêu xây dựng thành một đại học đổi mới sáng tạo có uy tín ở Việt Nam và quốc tế. Phương châm hành động của nhà trường đó là “Khác biệt để dẫn đầu”. Động lực cho việc xây dựng và phát triển nhà trường là " Đổi mới sáng tạo".
Mục tiêu này được Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu nhà trường quán triệt và triển khai trong toàn thể giảng viên, viên chức quản lý, người lao động, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và trong mọi hoạt động của Nhà trường.
Quan điểm đổi mới sáng tạo của Nhà trường là đào tạo được các thế hệ sinh viên - hạt nhân đổi mới sáng tạo, có được tinh thần đổi mới sáng tạo, biết đổi mới sáng tạo, và dám đổi mới sáng tạo. Từ những con người đó, tinh thần và năng lực đổi mới sáng tạo sẽ được lan tỏa đến chính các tổ chức, doanh nghiệp mà sau này các em ra trường làm việc.
Chúng tôi nhận thức rằng, để tạo ra được các sản phảm đổi mới sáng tạo, thì hơn ai hết các giảng viên, viên chức quản lý phải được đào tạo, phải đi tiên phong trong hoạt động đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo phải đi vào trong từng bài giảng, trong từng chương trình, kế hoạch hoạt động của lãnh đạo nhà trường, bộ máy quản lý và từng đơn vị, từng cá nhân. Nhà trường đã xây dựng đề án đào tạo về đổi mới sáng tạo cho đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động toàn trường.
Trong thời gian vừa qua, khởi nghiệp sáng tạo là điểm sáng của Trường ĐH Ngoại thương. Nhà trường đã tập trung xây dựng Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với sự tham gia của nhiều bên, trong đó có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trường học trong nước và nước ngoài. Vào đầu năm 2021, Trường ĐH Ngoại thương tự hào được Ban chỉ đạo Quốc gia về khởi nghiệp sáng tạo vinh danh là trường đại học đi tiên phong trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đây chính là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng của nhà trường.
Nhà trường đã thành lập Trung tâm sáng tạo và Ươm tạo (FIIS), trong thời gian đi vào hoạt động, FIIS đã trở thành một Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo có uy tín tại Việt Nam, có sự liên kết với nhiều trường đại học, các tổ chức trong nước và ngoài nước. Hàng năm, trung tâm FIIS đã đào tạo, nuôi dưỡng nhiều dự án khởi nghiệp, đề án kinh doanh của các em sinh viên giới thiệu đến các nhà đầu tư, nhà tài trợ để huy động nguồn tài trợ cho các dự án đó.
Thầy Bùi Anh Tuấn phát biểu chia sẻ tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo Việt Nam 2020 với chủ đề “Chuyển đổi số: Từ tư duy tới hành động". Đây là sự kiện thường niên được tổ chức với sáng kiến của Trường ĐHNT nhằm tạo không gian giao lưu, kết nối và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. |
Chúng tôi luôn xác định các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên, các hoạt động và cuộc thi của các Câu lạc bộ (CLB) sinh viên là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nói riêng, và trong hệ sinh thái đào tạo nói chung của Nhà trường. Trường ĐH Ngoại thương nổi tiếng về các cuộc thi của các em sinh viên, do các CLB của các em sinh viên tổ chức. Nhiều cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo của các em sinh viên Trường ĐH Ngoại thương đã vượt ra khỏi phạm vi nhà trường và đã trở thành sân chơi có uy tín cho sinh viên trên cả nước, ví dụ như cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai”. Đây là cuộc thi khởi nghiệp đầu tiên do sinh viên tổ chức, hay như cuộc thi: “Bản lĩnh Marketer”, “Ứng viên tài năng”, “I-Invest”, "Soul of Law", v.v.
Sinh viên của trường (ở cả Trụ sở chính Hà Nội, Cơ sở II tại TP Hồ Chí Minh, Cơ sở Quảng Ninh) luôn tích cực tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế. Nhiều nhóm sinh viên đã giành được các giải thưởng lớn tại các sân chơi trong và ngoài nước như các cuộc thi: Hult Prize (Giải thưởng Hult), Social Business Creation (Sáng tạo kinh doanh xã hội), Start-up francophone (Khởi nghiệp Pháp ngữ), VSIC (Thử thách sáng tạo xã hội), Greenovation Challenge (Thử thách Sáng tạo xanh)…
PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương trả lời Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam |
Hiện nay, Trường ĐH Ngoại thương cũng là đầu mối tiếp nhận, sàng lọc, tư vấn, đồng hành cho các dự án khởi nghiệp, đề án kinh doanh sáng tạo xã hội khu vực Đông Nam Á để tham gia các vòng thi và gọi vốn toàn cầu trong khuôn khổ chương trình "Sáng tạo kinh doanh xã hội" (Social Business Creation) do Trường ĐH HEC Montreal, Canada tổ chức và điều phối. Đây cũng là cơ hội để Nhà trường tiếp nhận chuyển giao công nghệ huấn luyện, đào tạo, tư vấn trong lĩnh vực này nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần khởi nghiệp và trách nhiệm xã hội đến các giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc và trong khu vực Đông Nam Á.
Chương trình liên kết đào tạo góp phần
vào chuyển giao công nghệ đào tạo,
mô hình quản lý cho Nhà trường
Các diễn giả tại sự kiện Diễn đàn đổi mới sáng tạo Việt Nam 2020. |
PV: Được biết, một điểm mạnh nữa của Trường ĐH Ngoại thương là những hoạt động liên kết hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường ĐH trên thế giới. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với các bạn sinh viên, thưa ông?
Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn: Có thể khẳng định, những thành tựu của Trường ĐH Ngoại thương trong suốt chặng đường phát triển hơn 60 năm qua có phần đóng góp không nhỏ từ sự liên kết, hợp tác, đồng hành của các tổ chức quốc tế, các trường đại học, các doanh nghiệp và các đối tác quốc tế khác.
Nhà trường có nhiều phương thức, hình thức và những mô hình đa dạng hợp tác, liên kết với các đối tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, trong đào tạo doanh nhân và hỗ trợ doanh nghiệp và nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng khác.
Một là, Nhà trường hợp tác với nhiều tổ chức nghề nghiệp, trường đại học, nhiều tập đoàn doanh nghiệp để xây dựng và phát triển nhiều chương trình đào tạo do Trường ĐH Ngoại thương cấp bằng, có chuẩn đầu ra đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn của nhiều tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp quốc tế. Chẳng hạn như mô hình liên kết với đối tác uy tín nước ngoài như Đại học Bang California Fullerton (California State University Fullerton), Đại học Bang Colorado (Colorado State University), Đại học Khoa học Ứng dụng và Nghệ thuật Tây Bắc Thụy Sĩ (University of Applied Sciences and Arts Northwestern Switzerland) để xây dựng và triển khai các chương trình tiên tiến. Hay như hợp tác với Hiệp hội công chứng kế toán kiểm toán Anh (ACCA) phát triển các chương trình Kế toán Kiểm toán; hợp tác với Hiệp hội Giao nhận và Vận tải Quốc tế (FIATA) trong việc phát triển chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, hợp tác với một số trường đại học và nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản trong việc triển khai chương trình Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản, hợp tác với Tập đoàn Vatel, Citi Smart, Hiệp hội khách sạn quốc tế xây dựng và triển khai chương trình về Quản trị khách sạn theo chuẩn quốc tế, v.v.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tặng hoa chúc mừng nhà trường nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập. (Ảnh: FTU ) |
Hai là, Nhà trường hợp tác với nhiều trường đại học uy tín ở nước ngoài để xây dựng và triển khai nhiều chương trình liên kết đào tạo với trường đại học nước ngoài và do trường đại học nước ngoài cấp bằng. Hiện tại nhà trường có hơn 20 chương trình liên kết đào tạo bậc cử nhân và bậc thạc sĩ hợp tác với nhiều trường đại học ở Anh, Mỹ, Canada, Đan mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. Các chương trình liên kết đào tạo không chỉ đem lại cơ hội lớn hơn cho người học mà góp phần vào chuyển giao công nghệ đào tạo, mô hình quản lý cho Nhà trường.
Ba là, với sự đồng hành của nhiều trường đại học nước ngoài và các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiếp nhận chuyển giao và xây dựng, phát triển một số mô hình trong đào tạo đại học. Có thể kể đến như Mô hình VBIZ trong đào tạo về kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản; Mô hình F-GET trong khởi nghiệp sáng tạo, Mô hình VLEX trong đào tạo cử nhân Luật...vv.
Bốn là, Nhà trường đã liên kết với đối tác nước ngoài trong triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chung thường niên. Một số đối tác chính trong hoạt động với Viện Thương mại thế giới/Tổ chức Thương mại thế giới (WTI/WTO), Hội đồng Anh, Mạng lưới đảm bảo chất lượng Đông Nam Á (AUN-QA), Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF), các cơ quan của Tổ chức Liên hiệp quốc tại Việt Nam, các tổ chức và cơ quan quốc tế của Nhật Bản (JICA, JETRO, JAPI), các trường ĐH của Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Các hoạt động diễn ra dưới nhiều hình thức, sử dụng linh hoạt các nền tảng (trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp) tại Việt Nam hoặc nước ngoài với sự tham gia của đội ngũ giáo sư, giảng viên, sinh viên của nhiều quốc gia. Trường ĐH Ngoại thương cũng là trường đại học đưa ra sáng kiến và chủ trì "Diễn đàn Quốc tế hóa giáo dục đại học (FIHE)" thường niên, với sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo các trường đại học uy tín trong nước và quốc tế để thảo luận các sáng kiến và đề xuất hướng tới tương lai của giáo dục đại học thế giới.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương trả lời Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam |
Năm là, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên của Nhà trường được đi học tập, trải nghiệm trao đổi tại nước ngoài, cụ thể là sang các trường đại học ở nước ngoài hoặc là đi đến các doanh nghiệp, tổ chức ở nước ngoài để thực tập và trải nghiệm. Trước mùa dịch COVID-19, hàng năm, Nhà trường có tới hàng trăm lượt nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đi trao đổi hoặc thực tập tại nước ngoài. Đồng thời, mỗi năm, Nhà trường cũng tiếp đón gần 1.000 sinh viên của các trường bạn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Châu Âu… đến học tập và giao lưu văn hóa. Các sinh viên quốc tế đến Trường ĐH Ngoại thương có thể học một số môn học, tham gia một kỳ học, một năm học. Các em sinh viên quốc tế đến Trường ĐH Ngoại thương học tập thì đều có cơ hội tìm hiểu về đất nước, văn hóa, con người, môi trường kinh doanh của Việt Nam, đồng thời tham gia học tập cùng với sinh viên của trường các môn học bằng Tiếng Anh. Các sinh viên quốc tế cũng được tạo cơ hội tham quan, tìm hiểu thực tế tại các doanh nghiệp Việt Nam cũng như tại các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong chuyến trải nghiệm của mình.
Sáu là, Trường ĐH Ngoại thương đã hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, trường đại học nước ngoài xây dựng và cung cấp nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các sinh viên, cựu sinh viên, doanh nhân, thực hiện nhiều dự án phục vụ cộng đồng. Điển hình như Chương trình đào tạo doanh nhân về quản trị doanh nghiệp - Keieijuku, đã trở thành chương trình đào tạo hàng đầu Việt Nam dành cho doanh nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình này nằm trong khuôn khổ Dự án nâng cao năng lực của Viện phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản của Trường ĐH Ngoại thương do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án này năm 2019 đã nhận được giải thưởng Dự án tốt nhất của JICA do Tổng Giám đốc JICA trao tặng. Hay như, trong mùa dịch COVID-19, Nhà trường đã phối hợp với một số tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng Cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm cung cấp thông tin về thị trường, tạo diễn đàn kết nối các doanh nghiệp, giải đáp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, v.v.
Bảy là, Nhà trường hợp tác với đối tác nước ngoài để thiết lập, xây dựng mô hình đại học mới. Điển hình là xây dựng mô hình PAMS có sự tham gia của 5 trường ĐH của 5 nước gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonexia, Malaysia và Việt Nam. Trường ĐH Ngoại thương là thành viên sáng lập của liên minh này. Mô hình này hướng tới xây dựng trường đại học “ảo” dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại nhất thế giới. Hiện tại mô hình này đã được vận hành thử nghiệm thành công. Học phần đầu tiên được đưa vào giảng dạy là "Trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh" với sự tham gia giảng dạy của những giáo sư hàng đầu thế giới, và sự tham gia học tập của 5 nhóm sinh viên đến từ 5 nước thành viên. Một điều đáng mừng là tham gia chương trình này, nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại thương đã đạt kết quả xuất sắc nhất trong môn học này. Một số học phần khác cũng đang được triển khai theo kế hoạch.
Đêm hội kết nối các startup cựu sinh viên FTU nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường. |
PV: Những gì ông chia sẻ ở trên đã đóng góp vào bề dày thành tích và làm nên uy tín và thương hiệu của Nhà trường. Vậy những định hướng phát triển trong thời gian tới của Trường ĐH Ngoại thương là gì, thưa ông?
Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn: Chúng tôi đang xây dựng định hướng phát triển nhà trường trong giai đoạn mới 2030 và tầm nhìn đến 2040. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng chiến lược và đặt ra hệ thống các mục tiêu và giải pháp cụ thể, đồng bộ. Trong đó, chúng tôi sẽ xây dựng một Trường ĐH Ngoại thương theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và là trường đại học đổi mới sáng tạo lấy kinh tế, kinh doanh là nền tảng cho sự phát triển. Chiến lược này đang trong quá trình xây dựng, cũng đang quá trình thảo luận, phản biện của các thầy cô, chuyên gia trong và ngoài nước. Trong chiến lược phát triển của Nhà trường, chúng tôi tiếp tục khẳng định phương châm “Khác biệt để dẫn đầu”, động lực phát triển là "Đổi mới sáng tạo".
Liên quan đến phát triển ngành và chương trình đào tạo, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển ngành, chương trình đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, lựa chọn những ngành, lĩnh vực có tính tiên phong, đáp ứng nhu cầu xã hội để đầu tư phát triển.
Nhà trường đã xây dựng chiến lược khoa học và công nghệ, xác định những định hướng quan trọng trong hoạt động khoa học và công nghệ, đưa ra nhiều chính sách, giải pháp có tính đột phá trong hoạt động khoa học công nghệ của cả giảng viên, viên chức quản lý và của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.
Để thực hiện được mục tiêu chiến lược này, việc xây dựng và thực hiện chiến lược và kế hoạch đào tạo và phát triển đội ngũ bao gồm đội ngũ giảng viên mà cả đội ngũ viên chức quản lý được ưu tiên.
Một vấn đề nữa cần được quan tâm đầu tư là cơ sở vật chất Nhà trường để đáp ứng được yêu cầu phát triển. Cơ sở vật chất ở đây bao gồm đầu tư cơ sở vật chất theo hướng xây dựng giảng đường, phòng thực hành, thư viện, phòng làm việc theo chuẩn quốc tế. Chúng tôi cũng hiểu rằng, công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phải đi trước một bước để thực hiện được kế hoạch và lộ trình chuyển đổi số thiết thực, hiệu quả.
Có thể nói, đây là sự chuẩn bị cho tương lai hết sức thận trọng, bài bản. Chúng tôi đặt quyết tâm sẽ tạo ra nền móng thật vững chắc, thật tốt để phát triển một cách bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội và của đất nước, vì một Việt Nam đổi mới sáng tạo, phồn vinh, hùng cường.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!