Hiệu quả từ việc nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật
(ĐCSVN) - Là đơn vị tàu chiến đấu mặt nước hiện đại của Quân chủng Hải quân, thời gian qua, Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân đã tập trung nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật. Với những giải pháp đồng bộ cùng cách làm sáng tạo, việc bảo đảm tốt công tác kỹ thuật đã góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn Lữ đoàn; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.
Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân là đơn vị chiến đấu được biên chế đa dạng về chủng loại tàu thuyền, xe, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Tuy nhiên, qua nhiều năm khai thác, sử dụng, tuổi thọ, độ tin cậy, tính đồng bộ của nhiều phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật đã suy giảm. Mặt khác, các loại vật tư, linh kiện để thay thế, sửa chữa có tính chất đặc thù, đặc chủng cao; rất khó khăn trong việc bảo đảm và khai thác trên thị trường. Trước thực trạng đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 167 đã chú trọng đẩy mạnh phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” trong toàn đơn vị; xác định đây là giải pháp quan trọng để thực hiện đột phá “xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật” và nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật của toàn Lữ đoàn.
Cán bộ chiến sĩ Tàu 380, Lữ đoàn 167 kiểm tra hệ thống pháo AK 630 trong "Ngày Kỹ thuật" . |
Theo đó, hằng năm, phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” ở Lữ đoàn 167 đã được đông đảo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật hưởng ứng tích cực gắn với nhiều hình thức, biện pháp cụ thể, phù hợp như: phát động Hội thi mô hình học cụ; Hội thi "Kho trạm, xe máy tốt; lái xe an toàn"; Hội thi "Bàn tay vàng";… Cùng với đó là việc quan tâm, hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu, triển khai các mô hình, sáng kiến và khen thưởng, động viên kịp thời các cá nhân, tập thể có sáng kiến mang tính ứng dụng cao. Đặc biệt, Lữ đoàn còn thành lập Tổ sửa chữa cơ động bao gồm những cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm; thành lập Tổ tinh chỉnh tàu chính quy mẫu mực; triển khai áp dụng các sản phẩm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được thông qua.
Cùng với đó, cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của Lữ đoàn 167 đã tích cực nghiên cứu, chế tạo thành công một số linh kiện, vật tư thường xuyên hư hỏng trong quá trình khai thác sử dụng. Các sáng kiến phong phú về nội dung có tính khả thi, thực tiễn cao; nội dung tập trung vào nâng cao chất lượng công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đáp ứng tốt yêu cầu bảo đảm kỹ thuật cho trang bị của đơn vị. Qua phong trào thi đua đã có một số sáng kiến cải tiến kỹ thuật cao như: Bo mạch điều khiển hệ thống điều hòa KЛИMAT125, 40Б; Cẩm nang sửa chữa Tua bin khí M15Э trên tàu 12418; Quy trình thay xăm khí; cẩm nang sửa chữa pháo AK-176; Thiết bị đo độ nghiêng của tàu. Thiết bị cảm biến tốc độ vòng quay, thiết bị vi xử lý; dùng để điều khiển việc cấp khí khởi động vào cho động cơ đề;…
Cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của Lữ đoàn 167 kiểm tra tình trạng kỹ thuật của thiết bị. |
Được biết, chỉ tính từ năm 2019 đến nay, đơn vị có hơn 45 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được triển khai thực hiện hiệu quả, nhiều sáng kiến được lựa chọn tham gia thi cấp Vùng và Quân chủng kết quả cao. Đặc biệt trong năm 2019 Mô hình “Thiết bị huấn luyện bắn pháo cho trắc thủ tại bàn điều khiển ПУАРТ 76” của Đại úy Vũ Xuân Huy đạt giải A giải thưởng Nguyễn Phan Vinh và giải Ba giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội.
Theo đồng chí Thượng tá Phạm Tiến Dũng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 167, để công tác kỹ thuật đi vào thực chất, hiệu quả, thời gian vừa qua, Đảng uỷ chỉ huy Lữ đoàn đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo Phòng Hậu cần - Kỹ thuật và các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ nhiều biện pháp gắn với thực tiễn của Lữ đoàn. Đồng thời, thường xuyên quan tâm động viên đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật nêu cao trách nhiệm, thực hiện tốt các nội dung công tác kỹ thuật.
Nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật góp phần bảo đảm cho Lữ đoàn 167 hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. |
Đặc biệt, trước khi các tàu thực hiện nhiệm vụ đi biển, tổ sửa chữa của Lữ đoàn 167 đã phối hợp với đơn vị kiểm tra nắm tình trạng vũ khí, trang bị kỹ thuật, hệ động lực, thân vỏ tàu, vừa chủ động khắc phục những hỏng hóc trong thời gian cấp bách. Lữ đoàn cũng đã chủ động ban hành bộ tiêu chí tàu “Chính quy, mẫu mực” theo từng dạng tàu và tổ chức thực hiện tốt các tiêu chí. Đồng thời, tổ chức cho các đơn vị, các tàu thực hiện nghiêm giờ kỹ thuật trong ngày, ngày kỹ thuật trong tuần, tháng, quý; chế độ sấy, kiểm tra vũ khí, trang bị kỹ thuật;… Định kỳ hàng quý, Lữ đoàn tổ rút kinh nghiệm công tác bảo quản, kiểm sửa nhằm khắc phục những khâu yếu, mặt yếu còn tồn tại đồng thời xây dựng nền nếp công tác kỹ thuật chính quy, an toàn. Nhờ đó, trong năm 2023 vừa qua, 100 số tàu của Lữ đoàn 167 đã được Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân công nhận đạt tiêu chí “Tàu chính quy mẫu mực”; Lữ đoàn đã làm mới 720 tem nhãn, 623 xương sườn. Bảo quản, sơn sửa được 4.440 m2 mạn tàu và mặt boong.
Tuy điều kiện vật chất, kinh phí còn nhiều khó khăn, song đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của Lữ đoàn 167 đã tích cực, phát huy tinh thần trách nhiệm và năng lực sáng tạo để nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật. Qua đó, bảo đảm cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của Lữ đoàn, trọng tâm là sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu, tuần tra, trinh sát bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng của Tổ quốc. Đồng thời, tạo cơ sở để Lữ đoàn 167 luôn là điểm sáng trong công tác kỹ thuật và phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” của Vùng 2 nói riêng và Quân chủng Hải quân nói chung./.