Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở Cao Phong (Hòa Bình)

Thứ Ba, 23/08/2016 22:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Về xã Bắc Phong, huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những vườn cam xanh mát mắt, xen lẫn là chanh, bưởi, nhãn,...

Giờ cam đang vào trái, phải tới tháng 10, tháng 11, cam mới cho thu hoạch. Nhưng đến từng vườn cam, tận mắt nhìn, nắm vào từng trái cam, từng chiếc lá mới cảm nhận được niềm hy vọng của nhiều người nông dân nơi đây. 

Theo ông Phí Công Thành - Giám đốc Phòng Giao dịch (PGD) Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cao Phong, hiện PGD đang triển khai 13 chương trình với dư nợ tín dụng xấp xỉ 197 tỷ đồng, khoảng 11.000 lượt khách hàng vay vốn. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2016, PGD đã tạo điều kiện cho 1.768 lượt khách hàng vay vốn, giúp 609 hộ nghèo, 277 hộ cận nghèo, 125 hộ thoát nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi; 315 hộ gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, thu hút, tạo việc làm mới cho hơn 26 lao động; xây dựng trên 348 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn…; góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Chị Bùi Thị Vui, dân tộc Mường, bên vườn cam của gia đình (Ảnh: HNV).

Vào địa bàn thôn Tiềng, xã Bắc Phong, chúng tôi bị hút vào cả một miền xanh mát bởi những vườn cam trĩu quả. Thăm gia đình anh Bùi Văn Phương và chị Bùi Thị Vui, một trong nhiều hộ gắn bó với chương trình tín dụng chính sách từ những ngày đầu, chúng tôi vui mừng thay cho anh chị khi chứng kiến hơn 1 ha trồng cam của gia đình đang cho quả đúng tiến độ.

Anh Phương chia sẻ, đây là năm thứ 6 gia đình đầu tư vào trồng cam. Hiện, gia đình đang được vay 50 triệu đồng thuộc diện vốn cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.

“Trước đây, nhà tôi tiếp cận nguồn vốn tín dụng dưới diện hộ nghèo theo ủy thác của Hội Cựu chiến binh, trong khoảng năm 2003 với mức vay 7 triệu đồng. Khi đó, số tiền dùng để đầu tư trồng mía. Sang năm 2007, nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả, đồng thời vẫn thuộc diện ưu tiên, gia đình qua sự ủy thác của Hội Phụ nữ đã được vay tới 15 triệu đồng để mua trâu sinh sản. Sau đó, chúng tôi đã thoát nghèo và từng bước có nhu cầu phát triển, mở rộng quy mô sản xuất” - anh Phương kể.

Trao đổi với chúng tôi, chị Vui, vợ anh Phương cho biết thêm: Năm 2010, sau khi thoát nghèo, hai vợ chồng bàn nhau đầu tư trồng cam. Qua sự ủy thác của Hội Phụ nữ, gia đình đã tiếp cận được nguồn vốn vay cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với số tiền 30 triệu đồng. Sau một thời gian trồng, theo đúng chu kỳ sinh trưởng của cam, năm 2015, gia đình bắt đầu cho thu hoạch. Vụ đầu thu được 3 tấn cam, bán theo giá thị trường 24.000đ/kg, trừ các chi phí, gia đình trả nợ đúng hạn và dư ra được một số ít đầu tư tiếp. Trên đà tăng trưởng hiệu quả, gia đình có nguyện vọng và năm 2016 tiếp cận thêm nguồn vốn vay cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với trị giá 50 triệu đồng để tiếp tục đầu tư.

Dẫn chúng tôi thăm vườn cam của gia đình, anh Phương vui vẻ kể: Ngoài giống cam lòng vàng, năm nay, gia đình mạnh dạn trồng thêm cam canh và bước đầu, cây đang cho sai quả đúng như mong muốn. Dự kiến năm nay sẽ cho năng suất gấp rưỡi năm ngoái. “Vay vốn của NHCSXH thủ tục nhanh, gọn, thuận tiện và rất phù hợp với người dân chúng tôi. Tuy nhiên, nếu tính chi phí đầu tư đủ cho 1 ha trồng cam phải mất 150 triệu đồng. Chu kỳ sinh trưởng của cây cam phải sau 5 năm mới bắt đầu cho thu hoạch, vì thế, số vốn đầu tư ban đầu khá tốn kém. Do đó, chúng tôi tha thiết mong muốn nguồn vốn đầu tư sẽ tăng thêm” – anh Phương bày tỏ.

Cán bộ NHCSXH tỉnh, huyện thăm vườn cam, bưởi của gia đình ông Bùi Văn Tính.
 (Ảnh: HNV).

Chia tay hộ gia đình anh Phương, chị Vui, chúng tôi tìm tới gia đình ông Bùi Đức Tính ở thôn Khụ, xã Bắc Phong. Cũng thuộc diện gia đình nghèo được hỗ trợ nguồn vốn tín dụng chính sách, sau đó thoát nghèo rồi từng bước phát triển kinh tế hộ, gia đình ông Tính đã sử dụng khá hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng chính sách.

Được sự ủy thác của Hội Cựu chiến binh, năm 2003, gia đình được vay 5 triệu đồng đầu tư mua trâu sinh sản. Sau đó, tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng, từ con trâu ban đầu, gia đình cứ đều đều 3 năm có thêm 2 trâu mới.

Đợt gần đây nhất, gia đình đã bán lứa trâu cuối cùng gồm 3 con và dồn hết đầu tư cho vườn cam. Thoát nghèo, lại có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với trị giá 30 triệu đồng, cả nhà dồn cho 5.000 m2 đất vườn nhà, trồng hơn 600 cây cam lòng vàng và cam canh theo 3 chu kỳ. Ngoài ra, còn trồng thêm một ít nhãn Miền Thiết, bưởi đỏ Tân Lạc và một số cây ăn quả khác.

“Cam Cao Phong giờ có tiếng, được ưa chuộng nên năm vừa rồi, gia đình thu hoạch được bao nhiêu, có người vào tận vườn mua hết” - ông Tính phấn khởi khoe với chúng tôi.

Theo chia sẻ của ông Phạm Ngọc Bé, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) Tổ 7, thôn Khụ, xã Bắc Phong, trước Tổ của ông có 45 hội viên, nay chỉ còn 36 hội viên, trong đó có 4 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo. Hiện, Tổ chịu trách nhiệm 7 chương trình với dư nợ hơn 1 tỷ đồng. Suốt thời gian qua, trong Tổ chưa có trường hợp quá hạn, quá nợ nào. Hầu hết các hộ gia đình vay vốn đều sử dụng cho trồng trọt (cam và mía) là chủ yếu, số ít dùng cho chăn nuôi (mua trâu, bò).

Tạm biệt những vườn cam, tạm biệt các hộ gia đình vay vốn ở xã Bắc Phong, chúng tôi thầm chúc cho những ước mơ thoát nghèo và khát vọng làm giàu của những hộ gia đình nơi đây mau chóng thành hiện thực. Và cũng mong rằng, nguồn tín dụng chính sách tiếp tục đồng hành cùng họ để có những hỗ trợ thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Theo Giám đốc PGD NHCSXH huyện Cao Phong, hệ thống NHCSXH các cấp cần xác định tập trung giải ngân nhanh chóng, kịp thời tới các đối tượng thụ hưởng theo quy định, đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn một cách đầy đủ, cũng như không ngừng củng cố, nâng cao chát lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn./.

 

Hà Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN